|
SO SÁNH TƯ TƯỞNG “NHÂN” CỦA KHỔNG TỬ VÀ MẠNH TỬ
Đạo đức là một vấn đề mà xã hội từ cổ chí kim đều coi trọng. Đạo đức nói lên được nhân cách của con người. Xã hội có đạo đức tức là xã hội ấy không có chiến tranh đao binh, không có tham quyền cậy thế, con người sống hoà nhã với nhau, không phân biệt kẻ sang người hèn, một cuộc sống rất bình an ấm no hạnh phúc. Để được những điều ấy thì trước hết con người cần có đạo đức, lấy nhân nghĩa làm hàng đầu cho mọi lĩnh vực trong cuộc sống của mình.
A. DẪN NHẬP
Đạo đức là một vấn đề mà xã hội từ cổ chí kim đều coi trọng. Đạo đức nói lên được nhân cách của con người. Xã hội có đạo đức tức là xã hội ấy không có chiến tranh đao binh, không có tham quyền cậy thế, con người sống hoà nhã với nhau, không phân biệt kẻ sang người hèn, một cuộc sống rất bình an ấm no hạnh phúc. Để được những điều ấy thì trước hết con người cần có đạo đức, lấy nhân nghĩa làm hàng đầu cho mọi lĩnh vực trong cuộc sống của mình. Đến với triết học Trung Quốc, ta bắt gặp rất nhiều triết gia nổi tiếng đã đề cập về đạo đức của con người, nổi bật trong dòng triết học ấy phải nói đến Khổng Tử và Mạnh Tử. Các Ngài rất coi trọng về nhân cách đạo đức của con người, đặc biệt là tương tưởng “Nhân”. Tuy nhiên, mỗi tư tưởng đều có cái riêng của mình. Tư tưởng nhân của Mạnh Tử phát sinh sau, đã đúc kết những tư tưởng đạo đức của các bậc thánh hiền đời trước, nên đã có những điểm khác biệt và sâu sắc hơn. Để chứng minh được điều ấy chúng ta hãy lần lược tìm hiểu so sánh giữa tư tưởng nhân của Khổng Tử và tư tưởng nhân của Mạnh Tử.
B. NỘI DUNG
I. Sơ lược tiểu sử Khổng Tử _ 551 - 523 TC
Khổng Tử người quận Xương Bình nước Lỗ nay thuộc miền Sơn Đông phía bắc Trung Hoa. Ngài giòng dõi quý tộc, Cha là quan võ Thúc Lương Ngột, mẹ là Nhan Thị. Ngài tự là Trọng Ni họ Khổng, tức là Khổng Tử.
Ngài mồ côi cha khi lên 3 tuổi. Tuy còn ít tuổi nhưng Ngài đã nỗi tiếng là một nhà nghiên cứu, Ngài đã đến Lạc Ấp khảo cứu mọi việc rất chi li, xem xét những chế độ nơi miêu đường cùng những nơi tế giao tế xã. Phàm có việc gì quan hệ đến sự tế lễ là ngài đi xem xét tường tận. Sau khi ở nước Tề không được trọng dụng. Ngài quay về nước Lỗ, ít lâu sau Ngài được mời giữ chức Đại Tư Khấu (Hình bộ thượng thư). Sau đó mời làm Nhiếp tướng sự, quyền nhiếp việc chính trị trong nước. Ngài cầm quyền 3 tháng thì việc chính trị rất hoàn toàn trật tự phân minh.
Ngài dã đi chu du nhiều nước, cuối cùng trở về quê nhà dạy học và viết sách. Ngài đã thu nhận rất nhiều đệ tử, Ngài mất năm 474 TCN, thọ 73 tuổi.
II. Sơ lược tiểu sử Mạnh Tử _ 371 - 289 TCN
Mạnh Tử tên huý là Kha, giòng dõi Lỗ công, con cháu Mạnh Tôn, sinh ở nước Trâu, nay là tỉnh Sơn Đông huyện Trâu
Lúc còn nhỏ Mạnh Tử được hưởng nền giáo dục của bà mẹ, lớn lên theo học môn phái Khổng học. Ngài là một nhà nho xuất sắc, thấy đạo của Khổng Tử suy đồi, bị các tư tưởng lấn hiếp, Ngài bèn đứng lên chấn hưng cổ vũ, tranh biện để bên vực. Ngài đi chu du các nước chư hầu như Tề, Nguỵ… cố sức đem điều lợi hại để khuyên răng các vua chúa hiếu chiến đương thời, tiếp súc các nhà tư tưởng để tranh biện hùng hồn cho Khổng học.
Sau cùng Ngài trở về cùng với đệ tử viết sách Mạnh Tử. Ngài mất năm 289 TCN, thọ 82 tuổi.
III. So sánh tư tướng “Nhân” của Khổng Tử và Mạnh Tử
1.Sự giống nhau
Chữ nhân của Khổng Tử có chỗ định nghĩa là “Ái nhân”. Nhưng còn có nghĩa rộng hơn, như nói: “Khắc kỷ phục lễ vi nhân” (thắng mình phục tòng kỷ luật là đạo Nhân). Vậy nhân của Khổng Tử là noi theo cái đạo làm người, Trung Dung định nghĩa “Nhân giả nhân dã”. Sách Mạnh Tử “Nhân giả nhân dã”. Đấy chỉ là nói cái đạo của người theo lý tưởng, làm hết nhân đạo ấy là con người nhân vậy. Tác dụng của lòng nhân đạo chính là Ái.
Tình cảm đó là lòng yêu thương con người mà tư tưởng Nhân của hai triết gia Khổng Tử và Mạnh Tử đều muốn nói đến.
Khổng Tử khởi xướng tư tưởng “nhân giả ái nhân” (Luận ngữ Thiên Nhan Uyên), nhằm khẳng định giá trị của con người, thừa nhận nhân cách độc lập của con người. Loại tư tưởng yêu người, trọng người đó tồn tại trong điều kiện xã hội đương thời là điều đáng quý, không những thế, cho đến ngày nay trãi qua hơn hai ngàn năm nó vẫn không mất đi tính tiến bộ.
Với Mạnh tử “Nhân” bắt nguồn từ lòng cảm thông: “Mỗi người đều có lòng cảm thông, thương xót người khác. Một người nếu không có lòng cảm thông thì không phải là người. Lòng cảm thông chính là mầm mống của nhân” (Mạnh Tử - Thiên Công Tôn Sử thượng).
Như vậy, người có cảm thông thì mới yêu thương người được và người có lòng yêu thương người mới cảm thông cho người khác được.
Với Khổng Tử không chỉ yêu thương không mà còn phải giúp đời: “…trong lúc xã hội rối ren, không ra làm quan không phải là người trí, không ra giúp đời không phải là người nhân” (Luận ngữ, Dương Hoá,1).
Song song với quan điểm này, Mạnh Tử cũng cho rằng : giúp đời, bảo vệ nhân dân là quan trọng “Bảo vệ được nhân dân mà làm cho thiên hạ vượng thì không ai có thể ngăn được” (Lương Huệ Vương thượng) .
Như vậy, từ hai quan điểm của hai triết gia đều nói về nhân và thực hành nhân có sự giống nhau như thế cũng bởi Mạnh Tử là học trò của Khổng Tử, nên có sự kế thừa tư tưởng. Mạnh Tử tiếp tục phát huy tư tưởng này theo con đường của riêng ông nên giữa hai Người có sự khác biệt nhau.
2. Sự khác nhau
a. Quan niệm về tính thiện
Muốn cải thiện thế giới thì trước hết phải cải biến nhân sự. Về Nhân tính Khổng Tử chỉ nói đến tính như thế nào, chứ không cho biết nguyên lai của tính. Ngài có nói có luận ngữ:
“Tính tương cận dã, tập tương viễn dã”
(Tính người ta vốn gần với nhau, vì tập quen mà thành ra xa nhau vậy).
“Thành tính tồn tồn, đạo nghĩa chi môn”
(Làm nên cái tính còn mãi mãi, ấy là cửa ngõ của Đạo và Nghĩa)
Triết học Nhân sinh của Khổng Tử chú trọng vào luân lý mô phạm “Chỉ ư chí thiện” (nhằm vào nơi cực thiện). Luân là trật tự, là đạo, là lý, giữa người với người có những loại quan hệ hoặc là tự nhiên hay nhân tạo, triết lý Nhân sinh của Khổng Tử nhận định có nhân người ta không thể sống một mình, nhất thiết hành vi có quan hệ giữa người với người đều là hành vi luân lý. Bởi vậy sách Trung Dung mới nói:
“Thiên hạ chi đạt đạo ngã, viết: Quân phần dã, phụ tử dã, phu phụ dã, côn dệ dã, bằng hữu chi giao dã, ngũ giả thiên hạ chi đạt đạo dã” (Sự tới đạo ở thiên hạ có năm, là: Vua-tôi, cha-con, vợ-chồng, anh em bạn bè giao dịch, đấy là năm mối của thiên hạ tới đạo).
Triết học Nhân sinh của Khổng Tử không những chú trọng vào luân lý mô phạm mà còn chú trọng động cơ của hành vi, sự dưỡng thành phẩm hạnh đạo đức.
“Thi kỳ sở dĩ, quan kỳ sở đạo, sát kỳ sở an, nhân năng sưu tai” (Nhìn chỗ sở dĩ như thế, xét cái sở do như thế, xét đến chỗ an định, người ta giấu được nào) (Luận Ngữ).
Khổng Tử chú trọng về đạo đức tập quán, cho nên mới chủ trương “Tính tương cận dã, tập tương viễn dã”. Đây là chỗ tuyệt đích trong môn giáo hóa nhân cách đạo đức của Khổng Tử và đấy là chỗ nhập điệu của triết lý hành động, thực hiện tinh thần tự do trong hành động.
Chỉ có thế thôi, Khổng Tử không từng tuyên bố quyết đoán rằng tính của người ta tự đâu ra, vốn nó là thiện hay ác.
Cho đến Mạnh Tử về sau, vấn đề tính càng ngày càng trở nên trọng yếu, được các tư tưởng gia chú ý khai thác để lập nên các thuyết lý mới. Mạnh Tử quả quyết tính của người ta là vốn lành.
“Nhân tính chi thiện dã, do thủy chi tựu hạ dã. Nhân vô hữu bất thiện, thuỷ vô hữu bất hạ”.
(Tính lành của người ta cũng ví như nước chảy xuống thấp vậy. Người ta không ai không có tính lành, không nước nào là không chảy xuống chỗ thấp cả).
Vì đâu mà Mạnh Tử giám quyết đoán người ta vốn thiện? Cái lý do để Mạnh Tử lấy làm căn cứ cho lời quyết đoán ấy là ở người ta ngoài thân thể máu thịt còn có một con tâm nữa, nó bao hàm một cái lý. Cái lý đây không phải là lý trí mà là cái lý hòa điệu của tất cả vũ trụ nữa, cái gì nó làm cho muôn vật, muôn sự trong bầu trời đất bao la vận chuyển không ngừng, mà tựu trung vẫn giữ được mực điều tiết. Cái lý ấy là cái lý chung tồn tại của vũ trụ, là bản thể giữa người với người và giữa người với vật.
Mạnh Tử đi tìm cái chỗ “Sở đồng” của lòng người, của nhân tâm làm bản thể cho tính là cơ bản nền tảng triết lý Nhân sinh của ông. Đấy là đầu mối của lòng nhân đạo. Một khi tác dụng của lòng nhân ấy đã có, thì có sự phát sinh ra tác dụng của Nghĩa, Lễ, Trí.
Bốn đầu mối của đạo làm người theo Mạnh tử là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí đều sẵn có trong tâm nhân loại, không phải do thực nghiệm với ngoại giới mới có, mà thuộc về bản tính của con người, thuộc về tiên thiên tri thức vậy.
“Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, phi do ngoại thược ngã dã, ngã cố hữu chi dã” (Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí không phải từ bên ngoài nung đúc cho ta, ta vốn đã có rồi vậy) (Cáo Tử – Chương Thượng).
Hay “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí căn ư tâm” (Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí gốc ở Tâm) (Tận Tâm – Chương thượng)
b. Phương diện chính trị
Mạnh tử chủ trương một nền triết lý chính trị nhân hậu, lấy mục đích bảo vệ nhân dân làm trọng yếu. Chính sách bảo dân ấy gồm có chương trình nhân sinh, kinh tế và giáo hóa. Như thế cũng vẫn tôn trọng tinh thần chính trị của Khổng Tử là “Thứ chi, phú chi, giáo chi”. Nhưng ở đây Mạnh Tử đã diễn giải rõ rệt cái gốc của chính trị là điều hòa nền kinh tế sản xuất cho dồi dào và quân bình, nhấn mạnh vào điểm thực tế “dân dĩ thực vi tiên” chứ không thuyết nhân nghĩa một cách không tưởng.
Ở thời Khổng Tử, Ngài chỉ mới dám tuyên bố: “Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử” đến thời Mạnh Tử thì ông đã mạnh bạo đề cao chủ nghĩa dân bản với tinh thần cách mạng thẳng thắn “Dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” (Làm chính trị cốt lấy dân làm trọng yếu hơn hết, rồi mới đến chế độ xã tắc, sau cùng ngôi vua là đáng khinh). “Dân vi quí” của Mạnh Tử đã chủ trương còn đòi người ta phải thực hành một nền Nhân chính hay Vương chính, căn cứ vào nhân nghĩa chứ không chỉ chú trọng vào quyền lợi.
c. Phương diện kinh tế
Mạnh Tử không thuyết nhân nghĩa một cách không tưởng như Khổng Tử. Về kinh tế mạnh tử thực tế hơn trong cuộc sống, làm được những điều mà Khổng Tử đã bỏ qua. Mạnh Tử thực hiện “Tỉnh điền chế” để nhân dân có sản nghiệp cố định mới an phận giữ mình. Trọng thị thương nghiệp, cần giảm quan thuế, mời thương gia các nơi lại cùng mua bán.
d. Phương diện giáo dục
Đối với Khổng Tử ý nghĩa tối đại của giáo dục là cải tạo nhân chính. Ngài không hay nói nhân tính thiện ác, nhân tính đối với ngài trà trộn cả thiện lẫn ác. Ngài coi trọng về hậu quả giáo dục. Ngài dạy về lục nghệ: lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số.
Phương pháp giáo dục của Khổng Tử có 7 phần quan trọng:
•Học phải biết kết hợp với hành, ôn điều cũ biết điều mới.
“Học nhi thời tập chi, ôn cố tri tân”
•Học phải biểu điều hư ngụy, tránh điều đó, không kiêu hãnh.
“Tri chi vi tri, bất tri vi bất tri, thị tri hà dã”
•Học phải nghe nhiều, phải có kiến giải, bỏ điều không hay.
•Họ phải biết suy tư.
•Tùy theo đối tượng mà dạy “Nhân tài thi giáo”
•Học phải biết mục đích áp dụng
•Họ không nên cố chấp.
Đối với Mạnh Tử – Thì cần có bản lĩnh, dạy nhân dân nghĩa, lễ, trí, đi song song với công việc lao động chân tay nhờ đó mà đời sống an lành, ổn định và hạnh phúc.
“Thiện chính bất như thiện giáo chi tắc dân dã. Thiện chính, dân uy chi, thiện giáo, dân ái chi. Thiện chính đắc dân tài, thiện giới đắc dân tâm”.
e. Phương diện tâm linh với vũ trụ
“Gia ngã sổ niên, tốt dĩ học Dịch, khả dĩ vô đại quá hỹ” (Cho ta sống thêm ít năm nữa để trót công nghiên cứu kinh dịch, có thể không đến nỗi phạm điều lỗi lớn).
Như thế đủ tỏ rằng, tuy Khổng Tử bình sinh ít khi đề cập đến các vấn đề Tính và Mệnh với học trò, nhưng Ngài rất chú ý đến vấn đề siêu hình của kinh Dịch. Ngài tin vũ trụ quan Dịch, tin vào sự vận hành biến hóa không ngừng của sự vật, trong cuộc vận hành ấy có trật tự, có hòa điệu. Ngài tin có Thiên và Mệnh “Bất tri mệnh vô dĩ vi quân tử dã” (Không biết mệnh không lấy gì làm người quân tử). Nhưng thiên mệnh đối với Ngài hầu như là một định luật khách quan, hòa điệu đại đồng trong vũ trụ, mà người ta phải giác ngộ, phải cố thực hiện, nắm chặt lấy ở chỗ “duy tịnh duy nhất, doãn chấp quyết trung” (Tinh vi thuần nhất, giữ vững lấy cái trung tâm, nghĩa là ở tại trung tâm nội giới tinh thần vậy).
Theo Mạnh Tử, người hoàn toàn đạt biết được thiên lý gọi là “Thiên dân”: “Hữu thiện tước giả, hữu nhân tước giả, nhân nghĩa trung tín, lạc thiện bất quyện, thử thiên tước dã, công khanh đại phu thử nhân tước dã” (chương cáo thượng).
Thiên nhân chỉ chú trọng đến thiên tước và bản tính của người đồng nhất với vũ trụ, xét tận nguồn tâm thì biết được bản tính ấy là biết được trời. Bởi vậy vạn lý đều ở nơi tâm mình (vạn vật giai bị ư ngã). Mạnh tử gọi cái ấy là “Hạo nhiên chi khí”.
C. KẾT LUẬN
Qua sự trình bày ở trên, ta thấy được tư tưởng nhân của Khổng Tử và Mạnh Tử đã có những điều tương đồng và sai khác rõ rệt. Về nhân khổng Tử chỉ giải thích “tính tương cận dã, tập tương viễn dã” (tính người ta vốn gần với nhau, vì tập quen mà thành ra xa nhau vậy). Còn đối với Mạnh Tử, tư tưởng nhân của Ngài rộng hơn, đi sâu vào thực tế cuộc sống hơn, Ngài quyết đoán rằng tính người ta vốn lành. Tuy nhiên, nhìn chung tư tưởng nhân Khổng Tử và Mạnh Tử thiên về đạo đức làm người. Cả hai tư tưởng này đều lấy đạo đức nhân sinh con người làm nền tảng cho mọi tư tưởng triết lý của mình, và đã đóng góp tích cực trong cuộc sống đạo đức nhân loại.
THƯ MỤC THAM KHẢO
1.Nguyễn Đăng Thục, Lịch sử triết học phương đông, tập 1-2, Hồ Chí Minh: nxb Tp. HCM, 2001
2.Nguyễn Hiến Lê (dich),Lịch sử văn minh Trung Quốc, Hà nội: nxb Văn hoá thông tin, 2006
3.Giải Chi-Nguyễn Hiến Lê, Đại cương triết học Trung Quốc, Hồ Chí Minh: nxb Thanh Niên, 2004
[Trở về]
|
|