|
NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA PHẬT GIÁO TRÚC LÂM QUA SỰ THỐNG NHẤT TƯ TƯỞNG CÁC THIỀN PHÁI PHẬT GIÁO
Lịch sử không phải là một bó tài liệu góp nhặt trong thời quá khứ. Lịch sử phải là một bài học có lợi cho thế hệ hiện tại. Trở về quá khứ để tìm đón những tiếng vang bất diệt có thể làm rung động mãi mãi tâm hồn người. Tìm hiểu Phật giáo đời Trần. Điều cần thiết là chúng ta phải nhận xét được cái gì là tinh hoa, là tư tưởng chủ đạo để kế thừa và phát huy sự nghiệp của các bậc tiền bối để làm hưng thịnh đạo pháp. Đặc biệt thiền phái Trúc Lâm có những nét độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.
A/ DẪN NHẬP
Lịch sử không phải là một bó tài liệu góp nhặt trong thời quá khứ. Lịch sử phải là một bài học có lợi cho thế hệ hiện tại. Trở về quá khứ để tìm đón những tiếng vang bất diệt có thể làm rung động mãi mãi tâm hồn người. Tìm hiểu Phật giáo đời Trần. Điều cần thiết là chúng ta phải nhận xét được cái gì là tinh hoa, là tư tưởng chủ đạo để kế thừa và phát huy sự nghiệp của các bậc tiền bối để làm hưng thịnh đạo pháp. Đặc biệt thiền phái Trúc Lâm có những nét độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam. Có lẽ chính vì thế mà nhà Minh đầu thế kỷ XV đã ra tay kiên quyết đập tan nền văn hoá Việt Nam này, nền văn hoá mà nhà Trần đã ra công gắng sức xây dựng gần thế kỷ rưỡi với chủ lực là Phật giáo. Qua chính sách hằn học thủ tiêu văn hoá, ta cũng thấy văn hoá Việt Nam thời đó phong phú độc đáo riêng biệt như thế nào. Điều này phần nào cho chúng ta khẳng định Giáo hội thống nhất Trúc Lâm có thể trong sạch hơn, nhập thế hơn, thanh danh hơn so với Phật giáo trước đó.
Ngoài ra, Phật giáo Trúc Lâm còn ảnh hưởng đến những tư tưởng của các Thiền phái Phật giáo, đúc kết từ những tư tưởng các phái thiền Phật giáo đời trước để tìm ra cái riêng cho mình hay cho dân tộc Việt Nam. Đó chính là phái thiền Trúc lâm Yên Tử hay Phật giáo Trúc Lâm.
B/ NỘI DUNG
I/ Tóm tắc tiểu sử Trần Nhân Tông
Yên tử chỉ bất tử khi gắn với người anh hùng bất tử Trần Nhân Tông, người sáng lập nên thiền phái Trúc Lâm (Yên Tử). Trần Nhân Tông là một con nguời lịch sử trong Phật giáo nước nhà. Người đã hội đủ đỉnh cao nhất của thiền học đời Trần, khởi sáng lên ánh đuốc thiền rực rỡ toả rạng từ tăng đến tục, từ vua đến dân, đi vào mọi nơi mọi chốn. Đó là “thời đại hưng giáo” đã góp phần tích cực có hiệu quả trong lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam.
“Trần Nhân Tông tên huý là Khâm, con trưởng của Thánh Tông, mẹ là Nguyên Thánh Thiên Cảm hoàng thái hậu, sinh năm Mậu ngọ. Nguyên phong năm thứ 8, tháng 11, ngày 11, được tinh anh thánh nhân, thuần tuý đạo mạo, sắc thái như vàng, thể chất hoàn hảo, thần khí tươi sáng. Hai cung đều cho là lạ, gọi là Kim tiên đồng tử. Trên vai bên trái có nốt ruồi đen, cho nên có thể cáng đáng được việc lớn, ở ngôi 14 năm, nhường ngôi 5 năm, xuất gia 8 năm, thọ 51 tuổi, băng ở am Ngọ Vân núi Yên Tử, đưa về tán ở Đức Lăng. Vua nhân từ hoà nhã, cố hết lòng dân, sự nghiệp trung hưng sáng ngời thuở trước, thực là bậc vua hiền của thời Trần. Song để tâm nơi kinh Phật, tuy nói là để siêu thoát nhưng đó không phải là đạo trung dung của Thánh nhân”
Vua Trần Nhân Tông là một ông vua có học, có tài văn thơ, mộ đạo Phật, lại giỏi khiển tướng điều binh, rất anh dũng sáng suốt trong việc nuôi dưỡng và dựa vào sức dân để tiến hành hai cuộc kháng chiến và đánh bại quân Nguyên hung bạo. Ông không chỉ là một nhà quân sự ngoại giao, ông còn là chứng tri có tầm mắt nhìn xa trông rộng, biết hoà nguyện chính trị với tư tưởng để phục vụ mục đích dựng nước và giữ nước. Năm 1299 vua xuất gia tại chùa Hoa Yên núi Yên tử, lấy hiệu là Hương Vân Đầu Đà (Trúc Lâm đầu đà). Vua được nhận là người truyền thừa chính thức của phái Yên tử thế hệ thứ 6 tiếp nối vị Tổ sư thứ 5 là thiền sư Huệ Tuệ.
II/ Những đặc điểm của Phật giáo Trúc Lâm qua sự thống nhất tư tưởng các thiền phái Phật giáo
1)Tư tưởng thiền Trúc Lâm
Nhân Tông thường mời những thiền sư nổi tiếng đến để giảng về “tâm tông”. Tâm tông là tông phái đạo Phật mà người tu tập theo pháp thiền định “lấy cái tâm trong sáng bản nhiên làm tông chỉ”. Tâm là Phật, Phật tại tâm. Hãy giữ cho tâm được vắng lặng, không dao động thì đó là chân tâm. Chân tâm giúp cho Phật tánh thể hiện ra mà mỗi chúng sanh đều sẵn có Phật tánh, như viên ngọc báu trong mình chẳng mất công tìm kiếm đâu ra, điều này đã được ông nói trong bài “Cư trần lạc đạo phú”
“ Bụt ở trong nhà
Chẳng phải tìm xa
Vì quên mất gốc nên ta tìm Bụt
Giờ mới hay chính Bụt là ta”
Thật ra tư tưởng này được tiếp thu và kế tục quan niệm của người thầy Tuệ Trung Thượng Sĩ _ cho rằng hãy quay về cái gốc của mình chứ không tìm đâu khác được. Đó là gốc của thiền theo Trần Nhân Tông, bản thể hầu như chỉ tồn tại bên trong mỗi một con người. Ở đây “bản” hay “gốc” cũng chính là lòng Phật, tính sáng, báu vật. Bụt không tồn tại ở một cõi trời nào xa xăm trừu tượng, ở tầng trời mông lung nào đó mà tồn tại trong lòng “nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh”. Trần Nhân Tông muốn mọi người quay về cái gốc trí tuệ của mình tức là Phật tánh, cái mầm giác ngộ có sẵn để đả phá những cái vọng chấp bên ngoài, đả phá quan điểm cho Tây phương, Cực lạc, Tịnh độ là một cõi sung sướng ở đâu đó rất khó hình dung.
“Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương Di Đà là tánh sáng soi, nào phải nhọc lòng tìm về Cực lạc.
Biết chân như, tin Bát nhã, chớ còn tìm Phật tổ tây đông, chứng thực tướng ngộ vô vi, nào nhọc hỏi kinh thiền nam bắc”
Điểm khác nữa của tư tưởng thiền Trần Nhân Tông, đó là quan điểm về vô thường. Ôâng cho rằng mọi sự vật, hiện tượng đều biến đổi, vạn pháp luôn biến đổi không ngừng, chúng sanh sinh sinh hoá hoá, dời đổi, mọi vật có đó đều là giả tướng, có đó rồi lại mất đó, thực thực, hư hư. Đối với con người năm tháng đi qua, tóc trên đầu đã bạc:
“Biển hoá thánh dâu buồn thói tục
Tùng không biết tuổi bạc đầu sư”
2) Trúc Lâm ảnh hưởng rất lớn đến nho giáo
Phật giáo ở thời Trần Nhân Tông ảnh hưởng rất lớn đến những yếu tố nho giáo. Chính vì vậy làm cho Phật giáo có tính nhập thế tích cực hơn. Nhân Tông cho rằng sống mà không giúp ích gì cho đời là điều đáng hổ thẹn của kẻ trượng phu. Như ông đã nói: “Sinh vô bổ thế trượng phu phàm” . Theo Mạnh Tử, kẻ đại trượng phu là kẻ ở nơi rộng lớn của thiên hạ, đứng nơi chân chính của thiên hạ, thực hiện đại đạo của thiên hạ, khi đắc chí thì cùng với nhân dân đi lên, khi không đắc chí thì tự hành đạo của mình. Giàu sang không làm loạn cái tâm của mình, nghèo hèn không thể làm thay đổi cái chí của mình, uy vũ không thể khuất phục cái tiết của mình. Ảnh hưởng tư tưởng này của Mạnh Tử nên Nhân Tông viết:
“Chí trai quyết trả nợ tang bồng
Ngựa pha sương tuyết quay đầu lại
Mắt ngắm giang sơn ngoảnh mặt trông”
3) Tính nhập thế của Phật giáo Trúc Lâm
Trần Nhân Tông là một ông vua lúc nào cũng lo cho dân cho nước. Khi đất nước sạch bóng quân thù luôn lo nghĩ về dân, lo đến sự đoàn kết toàn dân, đặc biệt là sự nhất trí về tư tưởng. Chính vì vậy mà ông đã đứng ra thành lập dòng thiền Việt nam Trúc lâm Yên tử. Trần Nhân Tông nói: “Ta xem ngai vàng như chiếc giày rách bỏ đi bao giờ cũng được”(Việt sử tiêu án)
Vẫn ngồi trên ngai vàng nhưng xem ngai vàng như chiếc giày rách bỏ đi lúc nào cũng được, đó chính là xuất thế theo đúng nghĩa từ này. Có thể nói Phật giáo Trúc lâm đã có nhiều thiền sư và Phật tử Việt nam đã khéo nhập thế với tư tưởng xuất thế, cho nên vừa làm trọn bổn phận của người công dân đối với dân tộc và quốc gia. Vừa hoàn thành tốt đẹp chức năng của mình đối với đạo và chúng sanh. Hai tư tưởng nhập thế và xuất thế không mâu thuẩn với nhau lại còn hổ trợ cho nhau, sự gắn bó của Phật giáo với dân tộc là một nét đặc sắc của Phật giáo Việt Nam, nó như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt chiều dài lịch sử của Phật giáo Việt nam. Nó không phải là một sáng tạo ngẫu hứng của các thiền sư và Phật tử Việt nam. Nó là triết lý Phật giáo vô ngã áp dụng vào cuộc sống, vào đời.
“Phật giáo Trúc Lâm là một Phật giáo nhập thế liên hệ mật thiết với chính trị và phong hoá xã hội. Con người của của Trúc Lâm rất thích một phong trào như thế đó, và đó là lý do chính khiến thiền phái này được thành lập. Truyền thống Phật giáo đến đời Trúc Lâm đã mang nặng tính cách xã hội và nhập thế cho nên việc dùng một danh từ mới cho tông phái cũng là một việc đương nhiên hợp lý”
4) Thiền phái Trúc Lâm với các thiền phái khác
“Vào đầu thế kỷ XIII, ba thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường dần dần nhập lại thành một. Do ảnh hưởng lớn lao của Trần thái Tông và Tuệ Trung Thượng Sĩ, sự sát nhập của ba thiền phái trên đây vào nhau đã đưa tới sự phát triển lớn của thiền phái Yên tử Trúc Lâm, thiền phái duy nhất đời trần. Đời trần có thể được gọi là thời đại Phật giáo nhất tông, tức là thời đại của Phật giáo duy nhất”
Thiền phái Trúc Lâm Yên tử thoát thai từ dòng Vô Ngôn Thông, bởi vậy nó mang đặc điểm của dòng thiền này là kết hợp thiền với đạo. Nhưng các thiền sư có ảnh hưởng lớn trực tiếp đến thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thời Trần là những thiền sư cuối đời lý. Họ đã mang trong mình sự kết hợp thiền phái của mình (tức phái Vô Ngôn Thông) với phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Thảo Đường ở Việt Nam vào cuối triều Lý. Theo “Thuyền Uyển Tập Anh” thì Hiện Quang là thế hệ thứ 14 của dòng Vô Ngôn Thông, nhưng lại là thế hệ đầu tiên của nhánh Yên Tử và là sơ tổ khai sáng dòng thiền Trúc Lâm. Có thể nói phái Trúc Lâm là tiếp nối phái Vô Ngôn Thông.
Trần Nhân Tông cũng như Thiền Trúc Lâm Yên Tử có ảnh hưởng của thiền Lâm Tế. Về Trúc Lâm đêï nhất tổ Trần Nhân Tông cho đến nay vẫn chưa biết đích xác ai là người truyền giới cho ông. Tuệ Trung Thượng Sĩ là thầy nhưng lại là một cư sĩ nên không thể truyền giới. Nguyễn Lang cho rằng người truyền giới cho Nhân Tông là Huệ Tụê, tổ thứ năm của nhánh vô ngôn Thông Yên Tử mà ta đã đề cập ở trên. Theo “Tam tổ thực lực” thì năm 1304, Nhân Tông đi khắp nẻo thôn quê, khuyên bảo dân chúng phá bỏ dâm từ và thực hành giáo lý thập thiện. Như một số học giả cho biết, ngay từ tk II – III, Phật giáo Giao Châu, đặc biệt Khương Tăng Hội đã đưa giáo lý thập thiện này thành một đạo lý của người Việt để góp phần chống lại sự đồng hoá của phương Bắc. Dần dần giáo lý của đạo Phật trở thành đạo sống của người Việt Nam cổ đại. Phải chăng việc khuyên mọi người thực hành “thập thiện” là biểu hiện của việc kêu gọi toàn dân hãy quay lại tinh hoa truyền thống văn hoá của dân tộc? Nếu quả thật như vậy thì Trúc Lâm đệ nhất tổ đã kết hợp Nho, Phật (các thiền phái), Lão và tín ngưỡng văn hoá bản địa trên cơ sở Phật giáo để tạo nên một hệ tư tưởng có khả năng đáp ứng tư tưởng xã hội thời Trần.
5) Tính thống nhất của Phật giáo Trúc Lâm
a. Đặc điểm thứ nhất
Có một phái Thiền tông thống nhất, ảnh hưởng không nhỏ đến sự thống nhất về tư tưởng của toàn dân Việt Nam, đoàn kết thành một khối. Sự đoàn kết toàn dân là một yếu tố rất lớn, làm nên cuộc chiến thắng chống ngoại xâm Nguyên Mông.
b. Đặc điểm thứ hai
Lần đầu tiên có một người Việt Nam lập ra một phái thiền Việt Nam đích thực. Phái thiền đầu tiên, phái thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi do một vị Tăng sĩ Ấn độ sáng lập (tk VI). Phái thiền thứ hai do một Tăng sĩ Trung Hoa là Vô ngôn Thông sáng lập (tk IX). Phái thiền thứ ba cũng do một vị Tăng sĩ Trung Hoa sáng lập, tức thiền sư Thảo Đường (tk XI). Thiền phái thứ tư lần đầu tiên do người Việt sáng lập, mà người đó chính là vua Trần Nhân Tông. Đây là đỉnh cao của quá trình hội nhập của Phật giáo vào nền văn hoá Việt Nam, một sự hội nhập do nhân dân Việt Nam làm chủ, nhằm xây dựng một đạo Phật thích hợp một cách tối ưu với người Việt Nam, là tiền đồn ngăn cản phong trào Nam tiến của dân tộc Hán từ phương Bắc. Vấn đề nhân dân Việt Nam tiếp thu những gì, loại bỏ những gì của đạo Phật Ấn độ và Trung Hoa du nhập vào.
c. Đặc điểm thứ ba
Dưới đời Trần, chúng ta có một ông vua kiêm thiền sư và là sơ tổ của một phái thiền Việt Nam. Trần Nhân Tông đã làm gì để xây dựng một Phật giáo Việt Nam kết hợp hai yêu cầu đời và đạo như thế nào? Tuy xuất gia nhưng Ngài không quên cái hoạ xâm lăng thường trực từ phương Bắc. Ngô Thời Nhậm nói Trần Nhân Tông chọn Yên Tử làm căn cứ địa cho giáo hội Trúc Lâm và cho bản thân vua tu hành, vì từ trên núi Yên Tử, Trần Nhân Tông có thể quan sát được sự động tỉnh của cánh quân xâm lăng.
Ngay sau khi xuất gia, vua vẫn quan tâm đến vận mệnh của đất nước, vua đã đi Chiêm Thành và gả cháu là công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm Thành, đây là việc cưới hỏi có tính chính trị.
Tính thống nhất của Phật giáo thời Trần được thể hiện ngay trong bản thân hoạt động của vua Trần Nhân Tông, sau khi xuất gia. Ông không bó hẹp hoạt động tăng sĩ trong chùa chiền. Ông biết tự biện suông là đầu mối của mọi tranh cải dẫn tới mất đoàn kết. Thay vì biện suông không đâu, ngài muốn đoàn kết thống nhất nhân dân cả nước trên cơ sở nếp sống đạo đức 5 giới, 10 thiện. Đó cũng là một biểu hiện của Phật giáo đời Trần, là tư tưởng mọi người đều bình đẳng trước chân lý, trước lý tưởng giải thoát và giác ngộ của đạo Phật. Tư tưởng và tuyên bố đó của Ngài là một khích lệ mạnh mẽ đối với tất cả mọi người, không kể là tăng hay tục, xuất gia hay tại gia, sống bất cứ trong hoàn cảnh nào và môi trường nào. Tư tưởng ấy bắt nguồn từ nhận thức sâu xa của ông về ý nghĩa nhân sinh, về giá trị của con người, của cuộc sống. Con người vốn là Phật, nhưng lại quên mất gốc của mình là Phật, cho nên đi cầu phật ở nơi đâu, chứ không phải ở trong bản thân mình. Đó là quan điểm hướng nội của Phật giáo đời Trần, hay của Phât giáo Trúc Lâm.
“Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi. Hãy dựa vào chính mình, không dựa vào nơi nào khác. Hãy dựa vào chánh pháp, không dựa vào nơi nào khác…”
C. KẾT LUẬN
Phật giáo được nỗi bật hơn hết trên chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước mà công lao to lớn nhất là Phật giáo đời Trần. Đặc biệt là Phật giáo Trúc Lâm. Với tư tưởng nhập thế, gắn bó với dân tộc, hướng nội không chấp tướng và bao dung rộng mỡ, đã ăn sâu vào xã hội con người tồn tại cho đến ngày nay. Khẳng định được Phật giáo Trúc Lâm là sự kết hợp hài hoà giữ đạo và đời. Thống nhất các tư tưởng thiền phái Phật giáo thời bấy giờ để thành lập một tư tưởng Phật giáo của riêng dân tộc Việt Nam. Đó chính là Phâït giáo Trúc Lâm Yên Tử.
THƯ MỤC THAM KHẢO
1.Lê Mạnh Thát, Thiền Uyển Tập Anh, Sài gòn, Tu thư Phật học Vạn Hạnh, 1976
2.Nguyễn Đăng Thục, Phật giáo Việt Nam, Sài gòn, Lá bối, 1967
3.Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập I, Hồ Chí Minh: Nxb Tp. HCM, 2001.
4.Thích Mật Thể, Việt Nam Phật giáo sử lược, 1993
5.Thơ văn Lý – Trần, tập 1 và 2, Nxb Khoa học xã hội, 1997
6.Cao Hữu Đính (dịch), Đại Việt sử ký toàn thư, Hà Nội: Nxb Văn hoá thông tin, 2004
7.Nguyễn Hùng Hậu, Lược khảo tư tưởng thiền Trúc Lâm Việt Nam, Viện triết học Tp. HCM: Nxb khoa học xã hội, 1995
[Trở về]
|
|