|
Một vài kinh nghiệm cá nhân về sự ảnh hưởng của Phật Giáo và Thiền trong công việc sáng tạo và thể nghiệm nghệ t
|
Tạ Duy Bình và vợ con
|
Năm 1993, trong thời gian viết vở kịch Trở về,[1] tôi đã đi dự một khoá tu Thiền Vipassana 10 ngày trên Blue Mountain. Vipassana là một pháp môn Thiền thuộc truyền thống Phật Giáo nguyên thủy. Cả khoá tu 10 ngày được diễn ra trong sự im lặng tuyệt đối, chỉ trừ phần vấn đáp.
Khoá tu đó đã ảnh hưởng rất nhiều đến nội dung và hình thức biểu diễn của vở kich Trở về được công diễn năm 1994 tại nhà hát Belvoir Street, Sydney. Ảnh hưởng của Thiền bàng bạc trong toàn bộ vở diễn từ lời thơ đến âm nhạc, cảnh trí, những chuyển động của cơ thể, và âm thanh của nước.
Trở về đi người hỡi trở về đi
Với hơi thở của người trong từng giây từng phút
Trong nỗi im lặng đến tận cùng sâu thẳm
Ngước mắt lên trời nghe tiếng chim kêu
Nhìn xuống đất nghe thời gian đang thở...
Trở về đi... trở về đi
Chỉ còn lại niềm im lặng
Và thời gian đang chuyển mình trong hơi thở
Phải chăng sự ‘Trở về’ ở đây không chỉ là sự ‘Trở vế’ một nơi chốn hay một mảnh đất xa xôi nào đó bằng thân xác phàm tục này, mà ở đây còn là sự ‘Trở về’ một quê hương trong ký ức, trong tâm tưởng, là sự ‘Trở về’ với đất trời, với muôn loài, và sau cùng là sự ‘Trở về’với chính mình, trở về với từng hơi thở, từng khoảnh khắc, từng bước chân, từng nụ cười.
Khoá tu Vipassana 10 ngày đó không chỉ ảnh hưởng riêng đến vở kịch Trở về, mà còn ảnh hưởng đến công việc làm nghệ thuật sân khấu của tôi sau này.
Năm 1995, tôi sang Indonesia để học thêm, nâng cao về chuyên môn trong lĩnh vực sân khấu. Tôi được học với Rendra, là đạo diễn, kịch tác gia, diễn viên và nhà thơ Indonesia.
Nơi tôi học là tại đoàn kịch Bengkel của đạo diễn Rendra. “Bengkel” có nghĩa là “sự chuẩn bị”. Đoàn kịch Bengkel nằm ở một vùng quê có tên là Cipayung gần thủ đô Jakarta, trong một trang trại có ruộng lúa, ao thả cá, rất nhiều cây ăn quả, và tất nhiên là có cả sân khấu.
Chương trình học mỗi ngày là thức dậy lúc 5 giờ sáng và ngồi thiền một tiếng đồng hồ. Sau đó là làm ruộng, chăm gia súc như dê, bò, gà, vịt, cho cá ăn, hái trái cây, lợp mái nhà, v.v... cho đến 12 giờ trưa.
Buổi chiều có hai tiếng đồng hồ luyện tập một môn võ thuật bắt nguồn từ võ Thiếu Lâm. Khoảng năm giờ chiều mỗi ngày, cùng với những học sinh và diễn viên của đoàn kịch Bengkel, chúng tôi chạy dưới cơn mưa, băng qua những cách đồng, qua những khu vườn của người dân và ngửi thấy mùi rơm rạ cháy khi họ đang nấu bữa cơm tối.
Chúng tôi bơi qua một dòng sông nhỏ và ngồi nhìn mặt trời lặn. Chúng tôi chạy trở về khi bóng tối đã đổ xuống. Tiếp theo đó là trọn buổi tối dành cho luyện tập về chuyên môn sân khấu.
Hai tháng học tập tại đoàn kịch Bengkel của Rendra đã cho tôi một bài học có giá trị về cách áp dụng Thiền và võ thuật vào trong nghệ thuật sân khấu đương đại, đó là: trực tiếp thực hành trong cuộc sống và công việc thường ngày.
Sau khi trở về từ Indonesia, tôi đã cùng người bạn Úc, Bruce Keller, thành lập đoàn kịch Citymoon vào cuối năm 1995.[2] Ảnh hưởng của Phật Giáo và Thiền đã có mặt trong nhiều vở diễn của đoàn kịch Citymoon, rõ nét nhất là trong vở kịch Tìm Trâu được biễu diễn tại Chùa Phước Huệ vào cuối tháng Hai và đầu tháng Ba năm 2001.
Vở kịch Tìm Trâu được dàn dựng với sự hợp tác của đoàn kịch Citymoon và đoàn Powerhouse Youth Theatre, và đặc biệt có sự giúp đỡ và ủng hộ của Chùa Phước Huê. Vở kịch Tìm Trâu được bắt đầu với ý tưởng là sử dụng khuôn viên của chùa Phước Huệ làm bối cảnh chính cho vở kịch.
Cốt chuyện của vở kịch Tìm Trâu là sự khai triển trên nội dung, tinh thần và tư tưởng của Thập Mục Ngưu Đồ (‘Mười bức tranh chăn Trâu’ Thiền Tông). Anh Hoàng Ngọc-Tuấn cùng Bruce Keller viết kịch bản; tôi cùng Bruce Keller và Michael McLaughlin là đồng đạo diễn.
Nội dung của ‘Mười bức tranh chăn Trâu’ là nói về ‘đường lối tu tâp, làm sao làm chủ được tâm, bắt được tâm. Và tâm ở đây là con trâu.’[3] Từ ‘Mười bức tranh chăn Trâu’, mười màn kịch đã được sáng tạo và được biểu diễn tại mười địa điểm khác nhau trong chùa Phước Huệ. Khán giả được chia làm sáu nhóm và cùng xem chung bốn màn của vở kịch, sáu màn còn lại của vở kịch được diễn làm sáu lần cho riêng từng nhóm, bởi vì mỗi nhóm có một hành trình riêng.
Đây là một cấu trúc biểu diễn sân khấu mới, không bị lệ thuộc và hạn chế bởi những lề luật sân khấu cổ điển; khán giả không chỉ ngồi xem mà còn được tham dự vào quá trình diễn biến của vở kich.
Cảnh cuối cùng của vở kịch là khán giả cùng hoà nhập với diễn viên để đi tìm lại đôi giầy hoặc đôi dép của mình đã được cởi ra trước khi đi vào chính Điện. Hàng trăm đôi giầy/dép nằm la liệt trên sân chùa ngoài chính Điện, và trong âm thanh trầm bổng của tiếng hát, tiếng đàn, tiếng sáo và tiếng trống, gần hai mươi diễn viên thuộc những nền văn hoá, sắc tộc khác nhau, và hàng trăm khán giả vừa chuyển động, vừa múa, vừa đi tìm lại đôi dép của mình.
Hình ảnh đó giống như câu thơ ‘... đi chân đất, mặc vải thô, tôi hoà nhập vào dòng người trên thế gian...’. Hình ảnh đó cũng giống như bức tranh thứ mười, bức tranh cuối cùng của Thập Mục Ngưu Đồ, là một ‘vị sư thõng tay đi vào chợ, tay ôm bầu nước, tay chống gậy tre, làm bạn với bợm nhậu và phường thọc huyết heo’.[4] Có không? Cái mới và cái cũ, phương Đông và phương Tây đã được thở chung hơi thở của Thiền trong vở kịch Tìm Trâu tại chùa Phước Huệ.
Sau vở kịch Tìm Trâu, tôi tiếp tục học thêm về Thiền, tham dự những khoá tu Thiền của nhóm Sen Búp ở Sydney theo truyền thống của thầy Thích Nhất Hạnh, đồng thời học thêm về khí công và võ thuật Thiếu Lâm tự.
Một số vở kịch sau đó của Citymoon như Beat Box Vox Pop [5] (2001), Heartland [6] (2002), Mười một khúc cảm [7] (2004), v.v... đều phảng phất ít nhiều tinh thần của Phật giáo và Thiền.
Gần đây nhất, vở kịch thể nghiệm một người diễn có tên Màu vàng không phải màu vàng, đã vô tình mang đậm một số tư tưởng, triết lý của Phật Giáo và Thiền một cách tự nhiên, không gò ép.
Vở kịch Màu vàng không phải màu vàng “là câu chuyện về chính tôi và không phải về chính tôi. Về những người bạn của tôi mà cũng không thật sự là về những người bạn của tôi. Về cuộc sống và cái chết mà cũng không phải về cuộc sống và cái chết.”
Màu vàng không phải màu vàng “không thật sự là câu chuyện về bất cứ điều gì cả, nhưng về rất nhiều điều. Những điều luôn có mặt trong quá khứ, trong hiện tại và trong tương lai. Những điều luôn hiện hữu trong chính tôi và chính bạn. Những điều ta không thể đặt tên, ta không thể thấy, ngay cả ta không thể chạm đến nhưng ta có thể cảm nhận và nghe trong sự im lặng tuyệt đối. Những điều đôi khi bất ngờ hiện ra trước mắt ta, và nếu ta đủ kiên nhẫn, đủ may mắn, ta có thể thấy chúng trước khi chúng vụt biến mất.”[8]
Vở kịch Màu vàng không phải màu vàng “kể câu chuyện của một hoạ sĩ tên là Henry và một cô gái điếm. Henry vẫn thường gặp cô gái điếm ấy trong những giấc mơ, và chàng quyết định tìm gặp nàng trong đời sống thực. Chàng tìm thấy nàng ở một trong những ngôi nhà chứa mà chàng đã đến. Chàng trở lại nơi ấy nhiều lần trong suốt một năm để vẽ chân dung nàng cho một cuộc triển lãm hội hoạ của chàng.
Trong đêm khai mạc cuộc triển lãm, chàng đến đón nàng, nhưng người quản lý nhà chứa nói rằng nàng đã không còn làm việc ở đó cả một năm rồi, vì nàng đã chết từ năm trước. Ðêm khai mạc cuộc triển lãm đã diễn ra rất thành công, nhưng người hoạ sĩ đã không đến, và sau đó không ai tìm thấy chàng ở đâu cả.
Ngày hôm sau đêm khai mạc, mọi hoạ tiết trong tất cả các hoạ phẩm đều biến mất, chỉ còn để lại những khung vải trắng. Những khung vải trắng ấy tiếp tục đổi màu như một lăng kính, từ một màu thành nhiều màu, xanh, vàng, đen, đỏ, tím, lục...”[9]
Hình như giáo lý vô thường, vô ngã và duyên khởi của đạo Phật... cứ nhè nhẹ bay lơ lửng trong vở kịch Màu vàng không phải màu vàng. Cô gái điếm có thật hay không có thật? Ai là người họa sĩ có tên Henry? Những họa phẩm và cả những màu sắc đang thay đổi kia có hay không có? Dưới đây là một bài thơ trong vở kịch:
Tôi nhìn vào mắt tôi và thấy em, gương mặt em, thân thể em, thấy hàng triệu năm về trước, thấy hàng triệu năm về sau không đổi thay trong sự chuyển dịch không ngừng.
Có phải em là cô gái tôi đã gặp hôm tuyết rơi đầy trời phủ kín mặt em? Hay em là cô gái điếm trong giấc mơ của người nghệ sĩ? Hay em là người tình của lửa đã tấu lên khúc nhạc dạo đánh thức giấc ngủ kẻ điên để hắn hát lên bài ca điên.
Em đứng đó trong tôi bàn tay miết vào tấm bố màu sắc hình khối chảy loang màu đỏ máu thấm vào thịt da thấm vào đất đi về phía bên kia nơi em sẽ gặp lại hình hài đích thực của em và giấc mơ của tôi.
Giấc mơ của tôi có trong em nơi phía bên kia... không bao giờ có...
Đó là một số vở kịch của Citymoon mà tôi đã trực tiếp tham gia và có ảnh hưởng tương đối rõ nét của Phật Giáo và Thiền. Mỗi vở kịch đều có những cách ảnh hưởng khác nhau, như sử dụng những câu chuyện, đề tài, hay sử dụng một số nghi lễ, những bài tụng kinh, hoặc áp dụng những tư tưởng và triết lý của Phật Giáo và Thiền vào trong diễn xuất.
Ngoài những vở kịch kể trên, có một điều nữa mà tôi đã và đang say mê tìm tòi và thể nghiệm trong nhiều năm nay là nghiên cứu và áp dụng một số phương pháp về hơi thở trong Thiền và khí công vào việc rèn luyện và đào tạo diễn viên sân khấu. Tôi đã bắt đầu thể nghiệm điều này cho sinh viên kịch nghệ tại trường đại học Wollongong và trường đại học Western Sydney, cũng như cho một số diễn viên đã tham gia trong những vở kịch của Citymoon.
Tập ngồi thiền và một số bài tập thở trong khí công đã giúp các sinh viên sân khấu phát triển tính tập trung, tính nhạy cảm và khả năng sáng tạo cao hơn, đồng thời rèn luyện người diễn viên biết làm chủ hơi thở và sử dụng hơi thở như một chiếc cầu nối những động tác thân thể và những cảm xúc nội tâm làm một. Những phương pháp này vẫn đang được tiếp tục thể nghiệm, thay đổi và phát triển.
Tôi hi vọng rằng những kinh nghiệm cá nhân kể trên có thể đóng góp một phần nhỏ trong cái nhìn tổng quát về sự ảnh hưởng của Phật Giáo và Thiền trong nghệ thuật sân khấu đương đại nói chung.
Tạ Duy Bình nguyên là diễn viên Nhà hát Tuổi trẻ (Hà Nội). Anh hiện đang định cư và làm nghề tại Australia
[1]Vở kịch The Return (Trở Về) do Tạ Duy Bình viết, được công diễn như tác phẩm mở màn của Đại Hội Kịch Nghệ Á Châu lần thứ 2 tại Belvoir Street Theatre, Sydney, tháng 9/1994. Diễn viên: Tạ Duy Bình và Hoàng Ngọc-Tuấn. Đạo diễn: Elizabeth Burke. Cố vấn kịch bản: Bruce Keller. Âm nhạc: Hoàng Ngọc-Tuấn. Thiết kế sân khấu: Pierre Thibaudeau.
[2]Bruce Keller đã mất vì bệnh ung thư vào tháng Mười năm 2003
[3]Daisetz Teitaro Suzuki, Thiền luận, tập I, Trúc Thiên dịch (Sài Gòn: An Tiêm, 1973), trang 606.
[4]Daisetz Teitaro Suzuki, Thiền luận, tập I, Trúc Thiên dịch (Sài Gòn: An Tiêm, 1973), trang 620.
[5]Beat Box Vox Pop là vở kịch được sáng tác bởi tập thể diễn viên của Citymoon Youth Theatre dưới sự chỉ dẫn và định hướng của đạo diễn Tạ Duy Bình và các cố vấn văn hoá. Đồng đạo diện: Bruce Keller. Âm nhạc: Hoàng Ngọc-Tuấn. Thiết kế sân khấu: Pierre Thibaudeau.
[6]Heartland là vở kịch được sáng tác bởi tập thể diễn viên của Citymoon Youth Theatre và Powerhouse Youth Theatre dưới sự chỉ dẫn và định hướng của đạo diễn Tạ Duy Bình, Bruce Keller và Katrina Douglas. Âm nhạc: Hoàng Ngọc-Tuấn. Thiết kế sân khấu: Sam James. Trang phục: Annemaree Dalziel.
[7]Eleven Parts of Feeling khai triển từ chùm thơ Mười một khúc cảm của Nguyễn Quang Thiều. Vở diễn sử dụng xen lẫn hai ngôn ngữ Việt và Anh. Phần thơ tiếng Anh dựa theo bản dịch của Martha Collins và Nguyễn Quang Thiều trong thi tập The Women Carry River Water. Vở Eleven Parts of Feeling là một tác phẩm trình diễn đa nghệ thuật (kết hợp thơ, nhạc, lời nói, động tác hình thể, đường nét võ thuật Đông phương, hình thức nghi lễ Phật giáo, và ấn tượng video), được thực hiện bởi: Tạ Duy Bình (đạo diễn), Hoàng Ngọc-Tuấn (khúc tác gia/diễn viên), Trương Tiến Dũng (nhà biên đạo/nghệ sĩ múa), Đăng Lan và Elian Anh Xuan Morel (ca sĩ/diễn viên), Mỹ Lệ Thi (họa sĩ thiết kế sân khấu), Ian Bowie (nghệ sĩ thiết kế ánh sáng), Anh Khoa Trần (nghệ sĩ video), Reza Achman (nhạc sĩ bộ gõ), và Stella Đỗ Hạ Vi (nhạc sĩ trung hồ cầm). Mười diễn viên chính của vở kịch là các sinh viên khoa sân khấu của viện đại học Wollogong và viện đại học Western Sydney, cùng Trung Trần (diễn viên trẻ người Úc gốc Việt). Đặc biệt có sự góp mặt của Tăng thân "Sen Búp" - nhóm Thiền theo truyền thống của thiền sư Thích Nhất Hạnh.
[8]Hoàng Ngọc-Tuấn dịch từ nguyên bản tiếng Anh của Tạ Duy Bình.
[9]Hoàng Ngọc-Tuấn dịch từ nguyên bản tiếng Anh của Tạ Duy Bình.
Tạ Duy Bình [Trở về]
|
|