|
Ý nghĩa hóa thân Phật thuyết pháp - HT. Thích Trí Quảng
Khi Đức Phật Thích Ca thành đạo tại Bồ Đề Đạo Tràng, Ngài thấy biết chân lý và nghĩ rằng chân lý đó Ngài không thể trao truyền cho bất cứ người nào.
Ý này được kinh Pháp Hoa diễn tả rằng "Duy Phật dữ Phật, nãi năng cứu tận chư pháp thật tướng", nghĩa là chỉ có chư Phật hiểu được những gì Đức Phật Thích Ca chứng ngộ, còn từ hàng Bồ tát trở xuống không thể hiểu được. Bấy giờ chư Phật mười phương đã hiện ra trong thế giới trang nghiêm thông nhau thành một cõi gọi là Hoa Tạng thế giới; còn chúng ta vì bị vướng mắc ngũ ấm thân nên không thông được với chư Phật. Và tất cả các Đức Phật đó thỉnh Phật Thích Ca thuyết pháp giáo hóa chúng sinh ở Ta bà.
Các Đức Phật nói rằng Phật Thích Ca chứng chân lý thì chư Phật mười phương cũng thấy đúng như vậy, nên giữa chư Phật không cần nói nữa; nhưng Đức Phật Thích Ca nên nói pháp cho chúng sinh Ta bà vì chư Phật ở Hoa Tạng giới không mang thân ngũ uẩn nên không nói được với họ. Đức Phật Thích Ca mới khởi tâm đại từ bi thương xót chúng sinh mà Ngài mang thân tứ đại ngũ ấm, làm thái tử Sĩ Đạt Ta, rồi xuất gia tu hành, nhận ra mình là Phật. Nhờ chư Phật mười phương tác động, Đức Phật Thích Ca thấy được sự tính ưu việt của Ngài so với các Đức Phật khác; vì các Ngài có Pháp thân Phật, nhưng thiếu sanh thân, đây là điểm quan trọng mà chúng ta phải nhận thấy.
Thật vậy, các Đức Phật vào Niết bàn, bỏ thân tứ đại ngũ uẩn, chì còn Như Lai thân, hay Bồ tát Pháp thân thì không nói được cho chúng sinh. Ví dụ như bây giờ Bồ tát Quảng Đức muốn nói chuyện với chúng ta, nhưng không được Ngài phải mang lại thân tứ đại ngũ uẩn mới nói được cho chúng ta nghe. Nhưng khi Bồ tát mang lại thân tứ đại ngũ uẩn là trở lại con người bình thường, thì Đức Phật dạy rằng Bồ tát còn mê khi cách ấm. Thực tế cho thấy các vị Lạt ma đắc đạo xả thân và tái sinh trở thành hài nhi không biết kiếp trước cúa mình, phải nhờ thầy khai ngộ mới nhớ lại được tiền kiếp tu hành.
Chúng ta cũng vậy, trải qua nhiều kiếp tu hành và đời này mang thân tứ đại, bị ngũ ấm ngăn che, chúng ta quên kiếp trước của mình; nhưng tâm sáng suốt của chúng ta vẫn còn. Vì vậy, trên bước đường tu, có sự định vị rõ ràng, tuy cũng là nguời như nhau, nhưng có người thông minh, hiền lành, có người hung ác, mê muội; đó là sự khác nhau vê tâm, về nghiệp của tất cả mọi người trên đời này. Nếu là Như Lai, Bồ tát hay La hán hiện thân 1ại, bị ngũ uẩn ngăn che nên bị cuộc đời làm quên mất tiền kiếp, nhưng tâm các Ngài vẫn bất nhiễm:
Từ chơn tánh hiện thân Đại sĩ
Giữa hồng trần không nhiễm bụi trần.
Vì Đại sĩ hiện thân lại thì khác với người đời hiện thân. Giống nhau, nhưng cốt lõi là Như Lai, Bồ tát, La hán hay là phàm phu thì khác. Đức Phật Thích Ca mang thân người, bị ngũ uẩn ngăn che; nhưng cốt lõi của Ngài là Phật, nên Ngài nhìn cuộc đời khác, Kinh Pháp Hoa gọi là "Bất như tam giới kiến ư tam giới", nghĩa là người nhìn cuộc đời không giống người đời, tâm và hành động khác với người đời mới tu được. Còn tu hành mà suy nghĩ, nhìn đời giống y như người đời, cũng ham thích, tính toán, buồn phiền, tranh giành, sát phạt là người đời mặc áo tu.
Cách nhìn đời của Đức Phật Thích Ca y hệt như một Đức Phật, rõ ràng Ngài thấy cuộc đời này là vô thường, mong manh, giả tạm và thấy rõ đây không phải là nhà của Ngài, không phải là cuộc sống của Ngài, Ngài không có ý ưa thích, tranh chấp nên Ngài đã từ bỏ một cách dễ dàng cuộc sống vương giả để đi tìm đời sống vĩnh hằng bất tử. Nhờ cốt lõi bên trong là Phật, nên thời gian nhập định của Ngài rất ngắn, chỉ trong 49 ngày và thời gian Ngài hành đạo cũng ít, chỉ có sáu năm. Ngày nay, tất cả Hòa thượng, Thượng tọa đều hành đạo qua thời gian nhiều hơn Phật, riêng tôi đã 60 năm hành đạo, nhưng đạo vẫn thấy lờ mờ, chỉ dùng niềm tin để thấy biết, không phải thấy hoàn toàn chính xác như Phật.
Đức Phật tu sáu năm đắc đạo, thành tựu quả vị Vô thượng Chánh đẳng giác. Cốt lõi bên trong Ngài là Phật và mặc áo phàm phu bên ngoài, nên khi Ngài xả bỏ ngũ uẩn thân, là thành Phật. Xả bỏ thủ uẩn thân không phải là diệt thân ngũ uẩn, vì phải có thân ngũ uẩn mới tu được, diệt bỏ thân này, sẽ bị đọa.
Đức Phật khuyên chúng ta xả bỏ sự cố chấp vào thân này, nói chung là không chấp ngã và không chấp pháp, tâm chúng ta thanh tịnh và trí tuệ theo đó phát sinh. Tuy nhiên, sau khi Phật Niết bàn, người ta thường chấp ngã và chấp pháp cao, nên khó có người đắc đạo. Thực tế cho thấy vì chấp ta và chấp pháp môn tu của ta, nên nghĩ người này tu Đại thừa, người nọ tu Tiểu thừa, người này theo Nam tông, người nọ là Bắc phái,v.v... và bắt đầu xem thường nhau, chống phá nhau, thậm chí hại nhau, trong khi tất cả những người này đều là đệ tử Phật, chân tánh đều là một.
Kinh Pháp Hoa nói rằng Thường Bất Khinh Bồ tát là tiền thân của Đức Phật Thích Ca hành đạo trong thời kỳ mạt pháp của Đức Phật Oai âm Vương có nhiều chúng tăng thượng mạn Tỳ kheo. Họ chấp ngã, chấp pháp môn tu, chấp sở hữu, chấp chùa, ai động đến cái chấp đó là họ sẵn lòng sống chết. Bồ tát Thường Bất Khinh thấy vậy thương xót họ, Ngài hiện thân làm Bồ tát kính trọng, lễ bái những vị tăng thượng mạn này, nhằm lễ bái Phật tánh của họ để giúp họ thức tỉnh, nhận ra được Tăng đoàn phải hòa hợp, tứ chúng phải đồng tu.
Cùng sinh hoạt trong Tăng đoàn mà không chấp nhận nhau, không nhìn nhau được và chấp càng cao, càng rời xa chân lý, chắc chắn phải bị đọa. Điều cốt lõi quan trọng này của đạo Phật, chúng ta cần suy nghĩ và áp dụng trong đời sống tu hành.
May mắn là đất nước chúng ta thống nhất, Giáo hội chúng ta thống nhất, anh em chúng ta mới có điều kiện sinh hoạt chung, cùng trao đổi với nhau kinh nghiệm hành đạo. Trước năm 1980, phải nói là mạnh ai nấy tu, không chống nhau là may mắn rồi, đừng nói là ngồi chung lại để cùng chia sẻ kinh nghiệm.
Chúng ta được may mắn cùng chung nhau thảo luận phương hướng smh hoạt, nhận thấy được việc tốt của nhau mà kính trọng nhau. Tôi thấy việc tốt của chư tôn đức và các Ngài cũng thấy việc tốt của tôi, mới chia sẻ kinh nghiệm hành đạo cho nhau; thiết nghĩ đó là niềm hạnh phúc nhất của nguời tu. Tôi rất sung sướng được đến đây nói pháp và được quý vị lắng nghe trong niềm hoan hỷ, gợi cho tôi nhớ đến bài kệ:
Hạnh phúc thay Đức Phật giáng sinh
Hạnh phúc thay giáo pháp xương minh
Hạnh phúc thay chư Tăng hòa hợp
Hạnh phúc thay tứ chúng đồng tu.
Dù chùa cao Phật lớn, cúng dường đầy đủ cũng không bằng thương kính nhau và chia sẻ kinh nghiệm giúp nhau tu hành. Hạnh phúc của chúng ta là được sống trong một Giáo hội và tất cả các pháp môn biệt truyền được trân trọng, nói rõ là tôn trọng nhau, thể hiện tinh thần lục hòa, kiến hòa đồng giải, không phải khống chế nhau.
Người khác có hành động tốt, ta phải công nhận và tập theo, không nên tự ái mà cố giữ điều sai lầm của mình. Hòa hợp trên tinh thần vô ngã, không chấp ta, không chấp sở hữu của ta, chỉ thấy điều tốt để ta thực tập.
Tuy nhiên, khi chúng ta được hạnh phúc nhờ Giáo hội thống nhất thành một khối, lại bắt đầu có sự cọ xát khiến chúng ta không vừa lòng, thấy như mình bị mất tự do. Theo tôi, điều này cũng giúp chúng ta tu hành đạt giải thoát. Lúc tôi cảm thấy bị hạn chế, không được tự do, tôi liền nhớ đến Tề Thiên mang vòng kim cô trên đầu. Mình làm gì cũng kẹt Hiến chương của Giáo hội, kẹt luật pháp của Nhà nước ví như chiếc vòng kim cô bóp đầu mình, cảm thấy khổ. Thí dụ như có một số tu sĩ đi không được, ở không xong vì kẹt hộ khẩu, nên phiền não phát sinh. Lâu nay chúng ta tưởng lầm mình tu đắc đạo nay phiền não tung lên, bực bội, buồn phiền, phải coi lại quá trình tu của mình đã phạm sai lầm gì mà nghiệp khởi như vậy.
Lúc trước tu, không chấp ngã, không có nghiệp; nhưng được lên Thượng tọa thì lại chấp ngã nặng. Tôi nhớ trong buổi họp Mặt trận, có một Thượng tọa nói với tôi rằng ông buồn quá. Tôi bảo đã là Thượng tọa mà còn buồn hay sao và buồn việc gì. Ông nói lúc trước Phật tử thấy mình chắp tay, kính trọng chào, không dám ngồi ngang hàng; nay vô phòng họp, phải ngồi sau đàn bà! Thiết nghĩ đây là sự chấp ngã, chấp pháp quá nặng. Tôi nhớ một câu của Ô Sào Thiền sư dạy Đường Tam Tạng rằng ngũ uẩn tứ đại giai không, thì đâu có đàn bà ngồi trước mặt mình. Chúng ta tu cả đời , nhưng chỉ phạm một sai lầm nhỏ là bị tổn hoại công đức. Giống như trường hợp Lương Khoan giữ vị trí quốc sư quá lớn đến cái tên của ông, người ta còn không dám gọi, nhưng vì chấp ngã quá lớn, tự ái quá cao, nên khi nghe ngài Nhật Liên lập giáo khai tông nói rằng tất cả quốc sư, đại sư phạm sai lầm bị đọa địa ngục, ông tức giận, chống gậy vào triều, bảo tướng quân phải tìm diệt ông sư đó, ngày nào ông sư đó còn sống thì tôi ăn không ngon, ngủ không yên. Làm Hòa thượng quốc sư mà còn muốn diệt người và muốn ăn ngon, ngủ yên, là khởi sân tâm, chấp ngã nặng, không còn biết gì. Người ta nói gì thì mặc người ta, làm gì mà nói gì thì mặc người ta, làm gì mà phải cuồng giận như vậy.
Theo tôi, chúng ta có thời gian cọ xát với thực tế sẽ giúp chúng ta tỉnh ngộ và tiến tu rất tốt. Tôi đi họp khắp nơi, thấy thanh thản vô cùng, ngồi đâu cũng được, thiên hạ gọi mình là gì cũng xong, khi ta vô ngã thì chẳng có gì phải thắc mắc.
Chúng ta nên tập sống thanh thản trên tinh thần vô ngã Đức Phật đã dạy và tập tâm vị tha, thương người, họ vô tình hay cố ý xúc phạm, ta thương xót họ, đừng giận họ, ta sẽ được Phật hộ niệm, sẽ không gặp điều gì đáng sợ trên cuộc đời này. Và ta chỉ lo sợ cho họ sẽ bị người ghét bỏ, bị quán thán chê trách và họ sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Nếu trải qua thời gian sinh hoạt chung, có sự cọ xát, mà không chịu đựng được, có người bỏ áo tu, hoàn tục thì cuộc sống cũng chẳng tiến được. Trái lại, người cố gắng chịu đựng và nhận thức sâu sắc việc tu hành thì từng bước cũng đi lên.
Theo kinh nghiệm của riêng tôi, đất nước chúng ta từng thời kỳ có sự đổi mới; đời sống tu hành của chúng ta cũng từng bước có tốt đẹp. Đặc biệt năm nay, Lễ Vesak Liên Hiệp Quốc được tổ chức tại Việt Nam và tôi được phân công phụ trách Ban Nội dung. Từ Phật sự này, tôi đã có cái nhìn liên tưởng đến phẩm Hiện bảo tháp thứ 11 của kinh Pháp Hoa, tôi cảm thấy rất sung sướng và muốn chia sẻ với quý vị pháp hỷ lạc này.
Chúng ta đã đọc tụng nhiều lần phẩm Hiện bảo tháp, nhưng khó hiểu ý nghĩa sâu xa của phẩm này. Tụng kinh là một việc, hiểu được kinh lại là việc khác và thực tập lời dạy của kinh rồi thể nhập được cốt tủy của kinh lại khác nữa. Trong phẩm Hiện bảo tháp, khi Đức Phật Thích Ca nói kinh Pháp Hoa, từ dưới đất có tháp Đa Bảo vọt lên và trụ trong hư không. Chúng ta hiểu thế nào về hiện tượng này? Điều này thoạt nghe có vẻ giống như ảo thuật; tôi đã suy nghĩ rất nhiều yếu nghĩa mà kinh muốn ẩn dụ qua hình ảnh này. Đến khi Lễ Vesak năm nay diễn ra, tôi chợt nhận được nghĩa sâu sắc mà mỉm cười sung sướng.
Đức Phật Đa Bảo đã nhập diệt từ lâu, nay Đức Phật Thích Ca nói kinh Pháp Hoa ở Ta bà, tháp của Phật Đa Bảo hiện ra làm chứng tín. Điều này gợi cho tôi nhận thức rằng Đức Phật Thích Ca đã nhập diệt từ lâu, nay chúng ta biết Kinh Pháp Hoa, tức Phật Thích Ca sẽ hiện ra, hay Phật Đa Bảo hiện ra cũng là một. Nghĩ đến Phật Đa Bảo là nghĩ đến nhiều thứ báu, nhưng đối với người tu, chỉ có Tam bảo: trí tuệ là Đức Phật, chân lý là Pháp và hòa hợp là Tăng, là quý báu nhất; ngoài ra, những thứ báu theo thế gian không đáng quan tâm. Chính Đức Phật Thích Ca của chúng ta cũng từ bỏ cuộc sống thế nhân chỉ để đi tìm ba thứ báu là trí giác, chân lý và cuộc sống thanh tịnh hòa hợp.
Trên bước đường tu, đối với tôi, làm sao hòa hợp được với Tăng Ni Phật tử, được nhiều người thương mến, hỗ trợ là quý. Còn của báu mang vào thân dễ bị tai họa, biết bao nhiêu người chết vì của cải. Sư Thông Kham bị giết cũng vì có nhiều vàng. Của báu vật chất tác hại cho mình hơn, người đời tham lam mới quý nó. Người tu lấy trí tuệ làm của quý báu nhất, thú hai là chân lý, tức chúng ta sống hài hòa với thiên nhiên và xã hội. Cuộc sống chúng ta sáng đẹp vì không phạm pháp, thể hiện đạo đức, được người thương mến, quý trọng. Đức Phật dạy rằng Tỳ kheo vào làng không chống trái việc người, đó là chân lý. Chúng ta sống trong tịnh xá không làm mất lòng đại chúng, mọi người coi ta là bạn tốt, đó là chân lý. Và thứ ba là chùa lớn hay nhỏ không quan trọng, nhưng quan trọng là hòa hợp, chấp nhận nhau. Hai người không hòa hợp, tranh giành chức trụ trì, không ăn chung, không nói chuyện với nhau thì tốt đẹp gì.
Mở tháp Đa Bảo trong Kinh Pháp Hoa, hay Đức Phật nhập diệt để lại cho chúng ta kho báu vô giá. Yếu nghĩa này thể hiện rõ nét khi Liên Hiệp Quốc biểu quyết chấp nhận Đức Phật là bậc vĩ nhân được loài người kính trọng và lời dạy của Đức Phật chẳng những thích hợp với thời đại của Ngài mà còn có lợi ích trong thời đại của chúng ta. Đức Phật và lời dạy của Ngài mà còn có lợi ích trong cuộc sống của chúng ta. Đức Phật và lời dạy của Ngài được cả nhân loại công nhận thì đó chính là kho báu rồi.
Chúng ta tu hành lâu, ôm kho báu này, nhưng tự nghèo khổ, không thấy của quý báu này. Liên Hiệp Quốc mở kho báu này bằng nghị quyết của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc năm 1999 khiến chúng ta sáng mắt ra. Vì mặc dù chúng ta nhân danh Phật giáo, nhân danh đệ tử Phật, nhưng chúng ta có hưởng thụ được kho báu này đâu, chỉ biết hơn thua phải trái một cách vô lý.
Muốn người khác chấp nhận mình, quý vị phải làm sao? Đức Phật dạy chúng ta phải thực hành Đồng sự nhiếp trong Tứ nhiếp pháp; nói cách khác, phải lấy ý người làm ý mình, lấy ý mình áp đặt cho người thì ai nghe theo được? Ở Việt Nam, tôi thấy Hòa thượng Minh Châu đã nhận ra ý này, ngài tu hành gốc Bắc tông, nhưng sang Ấn Độ học, khoác áo Nam tông để các sư Nam tông không thấy ngại khác với họ. Hòa thượng đắp y va ăn một bữa, đồng với họ, nên không bị chê trách gì. Nhờ lại Hòa thượng thân cận được các sư Nam tông từ Ấn Độ sang Miến Điện, đến Thái Lan, làm nhịp cầu gắn liền Phật giáo Nam truyền và Bắc tông; trong khi trước đó, cả hai không nhìn nhau thân quý. Phật giáo Khất sĩ có được ưu việt là tương đồng với cả Phật giáo Nam và Bắc tông về việc ăn chay và vấn y, nên không bị phê phán.
Hòa thượng Minh Châu còn làm được một việc quan trọng nữa, ngài dịch kinh Pàli sang tiếng Việt, nên Trường Đại học Phật giáo Mahachulalongkorn, Thái Lan đã cấp bằng Tiến sĩ Danh dự cho ngài. Có thể nói từ nhịp cầu này đã gắn kết được Phật giáo Thái Lan và Phật giáo Việt Nam. Từ sự gắn kết ban đầu này, tất cả tu sĩ Đại thừa mới có điều kiện kết nối với giới Phật giáo Nam tông, chúng ta mới tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo, tham dự diễn đàn Phật giáo thế giới và mới có Lễ Tam hợp Vesak của Liên Hiệp Quốc.
Mười năm trước, sang Thái Lan, họ không coi chúng ta là người tu; nhưng nay tôi sang nước đó; họ coi tôi là cao Tăng, tức có cái nhìn khác, cái nhìn tốt đẹp về Phật giáo chúng ta. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta tu hành tiến gần chân lý, nên kết hợp được suy nghĩ và sinh hoạt của những tông phái Phật giáo khác. Trong phẩm Hiện bảo tháp, Đức Phật Thích Ca cho biết Đức Phật Đa Bảo có lời nguyện rằng ai muốn mở tháp Đa Bảo thì phải tập trung phân thân Phật thuyết pháp trong mười phương lại. Nghĩa là Đức Phật Thích Ca đã nhập diệt cả ngàn năm, xưa kia, giáo pháp của Ngài chỉ lưu truyền ở Ấn Độ, nhưng nay Phật giáo được truyền bá sang năm châu lục và tất cả đệ tử Phật đều tu hành theo nhiều pháp môn phương tiện khác nhau; vì chúng ta phải tùy thuận theo từng nơi, từng thời kỳ mà có pháp môn tu thích hợp để hướng dẫn mọi người được lợi lạc. Thí dụ điển hình như Hòa thượng Thíền sư Nhất Hạnh sang Pháp xây chùa cũng sơn xanh đỏ như nhà thờ, cũng có hình Đức Chúa Kytô đứng nhìn Đức Phật để những người chưa theo đạo Phật thấy pháp tu của Hòa thượng không xa cách với họ. Một số người phê bình rằng cách tu của ngài ở Âu Châu không giống ở Việt Nam, nhưng người Tây phương thì lại chấp nhận được. Tôi gặp người Thụy Sĩ, Đức, Tây Ban Nha... tu theo Hòa thượng đạt được kểt quả tốt đẹp. Điều này thể hiện ý nghĩa phân thân Phật thuyết pháp. Cũng vậy, tất cả các sư đầu đà vào làng khất thực độ được người; tôi vào trường giảng dạy hoặc đi thuyết pháp cũng độ được nguời.
Tất cả các đệ tử Phật ở khắp năm châu hành đạo theo pháp Phật đều tiêu biểu cho hóa thân của Phật và đều sử dụng vô số phương tiện khác nhau, mới có pháp môn Thiền, Tịnh độ, Mật tông, v.v... để đáp ứng yêu cầu của quần chúng, mới có thể cứu độ họ, dẫn dắt họ đển bờ giác ngộ giải thoát.
Vì tu pháp phương tiện, không phải là pháp chân thật, mà lại cố chấp vào phương tiện này để chỉ trích nhau, chống phá nhau là càng xa rời chân lý hơn nữa. Vì vậy, kinh Pháp Hoa nhắc nhở chúng ta rằng tu pháp phương tiện, nhưng đắc đạo thì phải bỏ phương tiện. Ý này được thiền diễn tả là qua sông, lên bờ thì phải bỏ thuyền. Đến bờ giác mà còn ôm phương tiện, làm sao lên bờ giải thoát được.
Bỏ phương tiện nghĩa là tôi bỏ ý thức Bắc tông của tôi là nhất và các Hòa thượng Thái Lan bỏ ý thức chỉ có Phật giáo Nguyên thủy đúng nhất. Tẩt cả mọi người tu theo Phật đều là đệ tử của Phật, thực hành giáo pháp của Phật trong cuộc sống và đều hưởng được hương vị giải thoát giác ngộ; cốt lõi của đạo Phật là như vậy.
Lễ Tam hợp Vesak Liên Hiệp Quốc tổ chức tại Việt Nam năm nay đã quy tụ được bạn bè khắp năm châu cùng ngồi chung, trao đổi sự hiểu biết và thể nghiệm giáo lý Phật được lợi lạc như thế nào. Đó chính là ý nghĩa sâu sắc rằng tất cả đệ tử Phật đã mở kho tàng giáo lý Phật Thích Ca để hiến dâng cho cuộc đời những gì tốt đẹp nhất cho sự sống của con người và muôn loài trên trái đất này. Những thành tựu quý báu này chúng ta cùng dâng lên cúng dường Đức Từ phụ Thích Ca Mâu Ni trong mùa Phật đản Phật lịch 2552-2008
[Trở về]
|
|