|
HÌNH ẢNH CON NGƯỜI QUA BÀI “PHỔ THUYẾT SẮC THÂN” TRONG KHÓA HƯ LỤC CỦA TRẦN THÁI TÔNG
A. DẪN NHẬP
Triều Trần (1226 – 1400) là một trong những triều đại lớn nhất của lịch sử trung đại Việt Nam. Dưới thời Trần, Đại Việt là một trong những cường quốc của Đông Nam Á lừng danh với ba lần lãnh đạo nhân dân Đại Việt kháng chiến chống quân Nguyên Mông thắng lợi, bảo vệ nền độc lập đã ghi một dấu son vàng trong lịch sử phát triển của dân tộc ta. Những chiến công hiển hách trong ba lần chống quân Nguyên Mông mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc ta, hun đúc ý chí quật cường của bao thế hệ đấu tranh để bảo vệ nền độc lập vững bền của tổ quốc trước bất kỳ kẻ thù xâm lược nào.
Mỗi khi nói đến nhà Trần là nói về những chiến công vang dội trước quân xâm lược hung hãn mà gót giày xâm lược đã đặt đến các miền khác nhau của lục địa Á, Âu, cũng là nói về nghệ thuật lãnh đạo toàn dân kháng chiến của nhà Trần. Nhưng khi nói đến nhà Trần mà chỉ đề cập những thành tựu quân sự thì chưa đủ. Bởi vì, bên cạnh những chiến công vang dội về quân sự thì văn hoá Đại Việt giai đoạn này cũng đạt khá cao, được coi là một trong những đỉnh cao của nền văn hoá triều Trần, một nền văn hoá có cội nguồn buổi đầu của thời kỳ độc lập phát triển và đạt được nhiều thành tựu dưới thời Lý và để lại dấu ấn sâu sắc cho đến hết đời Lê sơ. Một trong những đỉnh cao của văn hoá Đại Việt và chính nhờ sự phát triển này đã tạo nên một sắc thái riêng của nền văn hoá, đó là sự phát triển của Phật giáo lên ngang tầm thời đại. Có như thế thì sự nghiệp và hình ảnh của ông cha ta sẽ còn sống mãi mãi với thời gian.
Phổ thuyết sắc thân trong Khóa hư lục đã nhìn nhận bản chất của con người vừa sống hiện thực giữa cuộc đời vừa tham gia các công việc giúp ích cho đời. Con người là chủ thể trung tâm, sống trong trần tục mà có khả năng chứng ngộ. Chính vì thế mà quan điểm sắc thân ra đời nhằm xây dựng nhân cách đạo đức con người, xây dựng đất nước.
Với một đề tài “Hình ảnh con người qua bài ‘Phổ Thuyết Sắc Thân’ trong Khóa Hư Lục của Trần Thái Tông” mang tính văn học Phật giáo thuần tuý, thật là khó cho người viết mới bắt đầu cầm bút, vừa lo lắng vừa bối rối trước việc làm này, nhưng dù sao cũng là cơ hội để người viết tập tìm tòi, nghiên cứu và tư duy. Đề tài tuy không đơn giản trong việc tham khảo và tìm tòi tư liệu, nhưng nó vẫn là một chủ đề ăn sâu trong tiềm thức con người, đặc biệt là những người ngưỡng mộ Phật giáo nói chung và Phật giáo Lý-Trần nói riêng. Hy vọng chọn đề tài này là dịp tốt cho người viết trình bày những sở kiến của mình trước một kho tàng văn học Phật giáo đồ sộ.
B. NỘI DUNG
I. Giới thiệu tác giả, tác phẩm
1. Tác giả
Vua Trần Thái Tông là một người đã khai sáng ra một triều đại oanh liệt của dân tộc, một vị vua anh minh, một nhà lãnh đạo chính trị và quân sự thiên tài của đất nước, đã cùng với Trần Thủ Độ đặt nền móng cho sự ra đời của triều đại nhà Trần, mở đầu một giai đoạn lịch sử vẻ vang, với những chiến công hiển hách của dân tộc. Đồng thời cũng là một vị anh hùng dân tộc có công bảo vệ nền độc lập của tổ quốc, đánh bại cuộc xâm lược của đế quốc Nguyên Mông. Mặt khác, vua Trần Thái Tông còn là một nhà văn; nhà thơ, có những đóng góp to lớn cho lịch sử tư tưởng và Văn học Việt Nam nói chung, cho Phật giáo nói riêng. Thái Tông là một trong những tác giả đầu tiên của Văn học Việt Nam trong triều đại nhà Trần và nhiều tác phẩm được bảo tồn cho đến ngày hôm nay. Đó cũng là một tài sản vô giá cho những ai quan tâm nghiên cứu lịch sử dân tộc thời đại nhà Trần. Cuộc đời của Trần Thái Tông trãi qua mấy trăm năm được nhiều sử sách ghi lại, mà khởi đầu là bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư.
“Vua Trần Thái Tông họ Trần, tên Cảnh, tên cũ là Bồ, là chi đầu chính của triều Lý, nhận Chiêu Hoàng nhường ngôi, tại vị 33 năm, thoái vị 19 năm, thọ 60 tuổi, mất ở cung Vạn Thọ, chôn tại Chiêu Lăng. Vua khoan nhân đại độ, có lượng đế vương, nên có thể mở nghiệp truyền sau, đặt giường giăng mối cho chế độ nhà Trần vĩ đại. Song quy hoạch việc nước đều do Thủ Độ làm, chốn buồng the có nhiều điều hổ thẹn.
Xưa đời trước của vua là người Mân (có chổ nói là người Quế Lâm) có người tên Kinh đến ở hương tức Mặc, phủ Thiên Trường, sinh ra Hấp, Hấp sinh ra Lý, Lý sinh ra Thừa, mẹ là họ Lê, sinh vào ngày 16 tháng 6 năm Mậu Dần, Kiến Gia thứ 8 (1218). Vua mũi cao, mặt rồng giống như Hán Cao Tổ. Lúc lên 8 tuổi làm Chi Hầu Chính Chi Ứng Cục triều Lý, có chú họ là Trần Thủ Độ làm Tiền Chỉ Huy Sứ, Vua nhân thế được vào hầu trong cung. Chiêu Hoàng thấy vua thì thích. Ngày 12 Mậu Dần tháng 12 mùa Đông năm Ất Dậu, nhận Chiêu Hoàng nhường vị, lên ngôi Hoàng Đế, cải nguyên là Kiến Trung” .
Vua đã kế thừa tư tưởng Phật Giáo đưa vào thành nghệ thuật lãnh đạo chính trị, là phải biết lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình; lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình. Thì đó cũng là lần đầu tiên tư tưởng của Phật Giáo đã được vận dụng vào chính trị để hình thành một học thuyết lãnh đạo. Thực vậy, người lãnh đạo phải biết thủ tiêu ý muốn cá nhân của bản thân mới có thể lấy ý muốn của mọi người làm ý muốn của mình.
Vua Trần Thái Tông cũng còn là nhà văn hoá, nhà thơ xuất sắc lẫy lừng trong lãnh vực hoạt động sáng tác, là người đã mở đầu một giai đoạn văn học mới của lịch sử văn học đời Trần. Những tác phẩm đó đã chuyển tải một nội dung tư tưởng với một vẻ đẹp riêng của nó, rất có giá trị cho những ai thích nghiên cứu về Phật giáo đời Trần, hay Phật giáo Việt nam nói chung.
2. Tác phẩm
Thánh Đăng Ngữ Lục chép tác phẩm của Trần Thái Tông gồm: Văn tập 1 quyển, Chỉ Nam Ca 1 quyển, Thiền Tông Khóa Hư 10 quyển. Sau này người đời gọp chung lại thành Khóa Hư Lục bao gồm: Thiền tông chỉ nam tự, Kim cương tam muội kinh tự, Bình đẳng sám hối văn tự, Lục thời sám hối khoa nghi tự. Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, ngoài những tác phẩm nói trên Trần Thái Tông còn viết:
Năm 1251: Bài ‘Minh’ dạy các Hoàng Tử về Đạo trung – hiếu – hòa – tốn – ôn – lương – cung – kiện.
Năm 1264: Triều Đình Thông Quán - 20 quyển
Năm 1226: Tập thơ “Trần Thái Tông Ngữ Lục”
Khóa Hư Lục là tác phẩm nổi tiếng của vua Trần Thái Tông (1218-1277), vị vua đầu tiên của nhà Trần (1225-1400) và cũng là gương mặt Thiền học đặc biệt của Phật giáo Việt Nam. Vì là một tác phẩm có giá trị lớn về Thiền học và văn học, nên từ trưóc, một số các vị Thiền sư như Tuệ Tĩnh (thế kỷ XVII), Phúc Ðiền (thế kỷ XIX) đã dịch ra chữ Nôm. Khi chữ Quốc ngữ trở nên thông dụng và phổ biến, Khóa Hư Lục đã được học giới nước ta chú ý nghiên cứu, dịch thuật.
Tác phẩm Khóa Hư Lục của Trần Thái Tông, thể hiện hình ảnh con người phá chấp tự do, phóng khoáng. Khi liễu ngộ thì thông suốt mọi thế giới khách quan, không còn tâm phân biệt, định kiến, không vướn mắc nhị nguyên và hiểu rõ quy luật tuần hoàn của cuộc đời về sống chết, hiểu rõ tự thân con người. Nêu cao phương pháp tu tập để chuyển hóa cuộc đời qua lục thời sám pháp.
Xét về niên đại, Khóa Hư Lục là cuốn sách xưa nhất hiện còn giữ được trong kho thư tịch cổ Việt Nam. Xét về nội dung, Khóa hư lục vừa có giá trị triết học, vừa có giá trị văn học, bởi Trần Thái Tông mượn để biểu đạt tư tưởng, cảm xúc của mình là hình thức văn, luận, thể biền ngẫu và kệ, thể thơ thất ngôn, ngũ ngôn,, phổ thuyết... Tất cả đều giàu hình tượng, giàu chất trữ tình. Biểu thị qua “Phổ Thuyết Sắc Thân” là một trong bốn bài viết theo thể tài phổ thuyết, với bút pháp nghệ thuật Trần Thái Tông đã diễn tả về cuộc sống của con người bằng kinh nghiệm thực chứng của bản thân. Hơn 32 năm ngự trị trên ngai vàng, Ngài đã thấy rõ mặt trái của mọi người cũng như chính bản thân mình.
II. Hình ảnh con người qua bài “Phổ Thuyết Sắc Thân” trong Khóa Hư Lục của Trần Thái Tông
1. Quan điểm về sắc thân
a/ Sắc thân theo quan điểm Đạo Huệ Thiền Sư
“Sắc thân dữ diệu thể,
Bất hiệp bất phân ly.
Nhược nhân yếu chân biệt,
Lô trung hoa nhất chi” .
(Sắc thân cùng diệu thể,
Chẳng hợp chẳng chia lìa.
Nếu người cần phân biệt,
Trong lò một cành hoa. )
Sắc thân chỉ cho thân tứ đại, diệu thể chỉ cho Phật tánh, hai phần này không hợp cũng không ly, nghĩa là nó không phải một mà cũng không phải hai. Tại sao vậy? Vì thân con người gồm phần sắc chất có đủ thứ bệnh hoạn, luôn luôn đổi thay không cố định, phần tâm thức thì niệm niệm sanh diệt không dừng. Hai phần này không là một với tánh giác hằng hữu, nên nói không hợp. Nhưng tánh giác hằng hữu không rời tâm thức và thân tứ đại này. Nếu rời thì nó là ai chứ không phải là mình, nó không phải một mà cũng không phải phân ly. Ngài chỉ trong mỗi chúng ta có diệu thể hằng hiện hữu không phân biệt và không bao giờ mất.
Nếu ai cần phân biệt rành rẽ thì được hoa sen ở trong lò lửa. Hoa sen chỉ cho thể chân thật không sanh diệt. Lò lửa chỉ cho thân tâm vô thường sanh diệt. Người biết rõ cái giả và cái chân thì ngay nơi thân tứ đại này nhận ra thể chân thật.
b/ Sắc thân theo quan điểm Ni Sư Diệu Nhân
“Sanh lão bệnh tử
Tự cổ thường nhiên
Dục cầu xuất ly
Giải phược thiêm triền” .
Sanh già bệnh chết
Xưa nay lẽ thường.
Muốn cầu thoát ra
Mở trói thêm ràng.
Sanh già bệnh chết từ xưa tới nay là lẽ thường, người muốn thoát ra cái sanh già bệnh chết giống như người muốn mở trói mà lại cột thêm. Tại sao vậy? Vì theo luật vô thường thì con người sanh ra ai cũng già bệnh chết, không ai tránh khỏi. Nhưng nơi thân sanh già bệnh chết này, nếu chúng ta nhận ra thể chân thật thì chúng ta không bị sanh già bệnh chết chi phối làm cho khổ đau. Tu mà mong sống hoài không chết là quan niệm sai lầm. Quan niệm sai lầm ấy làm cho chúng ta thêm trói buộc, chớ không giải thoát được.
“Mê chi cầu Phật
Hoặc chi cầu thiền
Thiền, Phật bất cầu
Uổng khẩu vô ngôn” .
(Mê đó tìm Phật,
Lầm đó cầu thiền.
Phật, thiền chẳng cầu,
Uổng miệng không lờ).
Bốn câu kệ này Ni sư dạy người học đạo phải dùng trí tuệ thấy đúng lẽ thật của cuộc đời, thấy bốn tướng sanh già bệnh chết là lẽ thường. Nhận chân được điều đó rồi chúng ta không còn lo sợ nữa, ngay trong cái vô thường của sanh già bệnh chết, chúng ta nhận ra cái chân thường bất tử, đó là giác ngộ giải thoát.
c/ Sắc thân theo quan điểm Viên Học Thiền Sư
“Lục thức thường hôn chung dạ khổ,
Vô minh bị phú cửu mê dung.
Trú dạ văn chung khai giác ngộ,
Lãn thần tịnh sát đắc thần thông.”
(Sáu thức tối tăm khổ đêm dài,
Vô minh che đậy mải mê say.
Sớm tối nghe chuông lòng tỉnh giác,
Thần lười dứt sạch, được thần thông.)
2. Quan điểm sắc thân của Trần Thái Tông trong “Phổ Thuyết Sắc Thân”
Phổ Thuyết Sắc Thân chính là nói rộng về sắc thân, Trần Nhân Tông nhìn thấy cái thân này là gốc khổ. Như đức Phật nói có thân nay là có sanh, có già có bịnh có khổ, có chết (khổ thường). Thông thường chúng ta nghĩ khổ từ nơi khác đưa lại và nói hạnh phúc chỉ để an ủi cho thân phận mà thôi. Cuộc đời, khi Trần Nhân Tông đã đi sâu vào thì nhận ra được thân này là gốc khổ, song ít ai nghic đến điều này. “Thể chất là nhân nơi nghiệp” do Nghiêp nhân đời trước mà có thân này, chớ không phải là sự ngẫu nhiên. Thân do nghiệp tạo mà chúng ta lầm tưởng là thật, đó là chúng ta nhận giặc làm con, vì thân là tướng vô thường đau khổ. Nếu cho tướng vô thường đau khổ làm mình, điều này hầu hết mọi người đều mắc phải.
“Các ông nên chín chắn xem, chỉ sắc thân này khi chưa vào bào thai thì nơi nào được có. Bởi do niệm khởi duyên hội, năm uẩn hợp thành, thể mạo vọng sanh, hình dung giả có…”
Khi chưa vào bào thai thì thân bày từ đâu mà có, bởi do niệm khởi, duyên hội mà hợp thành thân 5 uẩn. Thân 5 uẩn là kết tụ cái giả có chứ không thật có, khi nhớ như vậy là tỉnh. Sở dĩ chúng ta có ra đời là do cái thật cái gốc của mình, chỉ cho ta biết bản thân mình là thật tánh, có Phật….do vô minh nên chúng ta quen đi, không biết đó là cái không thật. Từ cái quên gốc đó mà chạy theo cái hư dối bên ngoài, rong trên đường sinh tử nên mất hết bản lai diện mục của mình. Khi vua nói vậy là Ông đã biết rồi, cả ngày nhìn ra nhớ tới. khi lai sanh là quá sanh, nơi đến trong mộng nói mộng, đâu ngờ chúng ta sống mãi cười vui trong mộng, vui buồn phải quấy hơn thua. …lấy giả làm không, trái với tánh không, chạy theo sắc bên ngoài.
Trần Thái Tông đã diễn tả đời người cúng ta từ khi mới sinh ra dến lúc già bệnh rồi kết cuộc là chết. Sau khi chết sẽ chịu đau khổ như thế nào, Ngài đều diễm tả đầy đủ cho chúng ta thấy rõ. Rồi sau đó Ngài đánh thức mọi người cần phải quán xét như vậy, thấy rõ được lẽ thật của cuộc đời đều là không thật. Thấy được sắc uẩn này là chơn sắc, ngay nơi thân phàm tục này cũng là thân Phật, thấy được bản lai diện mục. Chúng ta đừng lầm những màu sắc của thân thịt này để rồi phải tạo nghiệp khổ đau. Khi chúng ta hết lầm thân này, những ý niệm đen tối đã tan vở. Lúc đó giống như mây đen tan đi, chỉ còn một khoảng hư không trong sạch.
Phổ Thuyết Sắc Thân, chúng ta thấy vua Trần Thái Tông có cái nhìn rất thấu đáo, Ngài diễn tả đầy đủ về con người phàm tục mà chúng ta đang mê đắm. Ngài tuần tự chỉ ra một lối đi, một lẽ thật để chúng ta biết mà tu, hầu vượt khỏi mọi mê muội lầm lẫn. Thoát khỏi các mê muội lầm lẫn chúng ta sẽ đến chỗ giác ngộ an lành thanh tịnh.
3. Sắc thân chính là thân phận và tình yêu con người
Mọi người phải trãi qua giai đoạn sanh, già, bệnh và cuối cùng là chết. Không có ai tránh được bốn nguyên nhân ấy của sự đau khổ. Nên thân phận con người, mỗi người có một sự cảm nhận, quan điểm, luận thuyết riêng để làm nền tảng căn bản cho chủ thuyết của mình. Nhưng về mặt tổng quát, chúng ta thấy nền tảng tư tưởng chung nhất là đề cao giá trị hiện hữu của con người và tìm ra phương cách giải phóng những nỗi đau cho con người, đồng thời vạch ra một định hướng cho nhân loại.
Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, Ngài đã nhận thức rõ nỗi khổ của con người, và Ngài tìm đường giải thoát cho những kiếp người cùng vạn loại chúng sinh. Trong thời Ấn Độ cổ đại, con người giai cấp bần tiện phải ngày đêm lầm than phục vụ cho giai cấp quyền quý. Ngài đã quyết tâm xoá lấp những hố thẳm của sự ngăn cách giữa người với người “không có giai cấp trên dòng máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn”. Trên con đường tìm cầu chân lý, lối thoát cho quần sinh. Đức Phật đã phát huy tinh thần ấy sau nhiều năm tu tập chân lý này là nguyên nhân gây nên khổ đau và sự chấm dứt khổ đau của một con người.
Trần Thái Tông sau nhiều năm nghiền ngẫm suy tư nền tảng giáo lý Phật Đà. Cho nên khi trình bày về thân phận con người, chúng ta thấy Ngài đã cô đọng trong “Phổ Thuyết Sắc Thân” rất cụ thể:
“Hết thảy các người! thân là nguồn gốc của đau khổ, thể chất là nguyên nhân của nghiệp quả. Nếu tự cho đấy là chân thật bản ngã của mình, thì tức là đã nhận giặc làm con vậy” . (Chư nhân đẳng! Thân vi khổ bản, chất thị nghiệp nhân. Nhược tự dĩ thử vi chân, dã thị nhận tặc tác tử)
Một sự cảnh tỉnh hết sức cần thiết với con người. Con người ai cũng có thân, nhưng lại bỏ quên không nhận ra được thân là nguồn gốc của khổ. Mỗi khi gặp khổ lại hay đổ thừa do, bởi, tại, vì… ở xung quanh, nói chung là do ngoại duyên, ngoại cảnh từ bên ngoài chứ không phải do chính họ. Thiền sư đã khơi dậy trong tiềm thức con người một ánh sáng mãnh liệt để họ có thể tự nhận ra ở chính mình, hãy biết chắc rằng: “Thân là gốc khổ, thể chất là nơi thân nghiệp”. Điều này rất quan trọng, vì từ lâu con người lầm lẫn cái khổ thể chất của chính mình, họ cho rằng: Thân tôi đẹp, xấu, gầy ốm, béo mập… bao nhiêu thứ, rồi từ đó mặc cảm hay tự phụ với bản thân mình. Thân tướng bên ngoài của con người chỉ là chiếc áo giả tạm để che đậy thân thể mà thôi.
Thiền sư còn chỉ bày cho ta rõ, nó là nhân nơi nghiệp, tức thân đời này có được là do nghiệp nhân đã từng gieo tạo ở nhiều đời nhiều kiếp trong qua khứ, thân hiện tại chỉ là sự tích tụ giả hợp tạm thời. Nó sẽ thay đổi tan biến theo dòng sinh diệt của thời gian, của các pháp. Khi tâm hồn ta buồn, thì vẻ mặt bên ngoài của ta cũng buồn theo. Cho nên nơi đây, Thiền sư đã nhấn mạnh và nhắc nhở con người “Nếu tự cho nó là thật, cũng là nhận giặc làm con”. Sự thực khối thịt này là giả huyễn, nếu ta chấp vào nó có thật thì vui buồn theo hư huyễn, ảo ảnh. Con người ở đời thường ít khi chủ động trước cuộc sống, mà chịu sự chi phối của thiên nhiên và tạo hoá.
Trần Thái Tông rất thực tế khi đưa ta về với hiện tại: “Người nên nhận xét lại cho kỷ. Chỉ vì cái sắc thân này trước khi đầu thai ở trong bụng mẹ thì có thấy nó ở chỗ nào?. Chẳng qua ý niệm nổi lên gặp được duyên tốt, mà ngũ uẩn mới nổi lên. Rồi thì hình thể tướng mạo vọng sinh ra, hình dung cũng hiện ra giả dối. Như thế là quên mất cỗi gốc chân thật của mình, để hiện ra một cách huyễn ảo huyền xằng. Hoặc gái, hoặc trai, hoặc đẹp, hoặc xấu đều là phóng tâm đi mất, chẳng lui gót trở về. Rong ruỗi đầu đường sinh tử, bẫng quên diện mục bản lai của mình là Phật tánh Như lai” . Lời khuyên của Thiền sư rất chí lý. Bởi lẽ khi đang sống, con người đâu có tự hỏi: Trước khi chưa sinh ra đời, mình có biết được bộ mặt thật của mình ra sao không?
Sở dĩ con người bị trôi lăn triền miên trong vòng sanh tử là vì mãi chạy theo huyễn cảnh chấp cái hình tướng giả có bên ngoài, quên mất chính mình thì làm sao gặp được Chân Tính. Thường không phải hầu hết nhưng có thể nói phần nhiều hơn là các vua chúa thời phong kiến dễ đi vào con đường trụy lạc tài sắc phong lưu mê đắm huyễn thân giả tạm này. Sử sách đã ghi chép Trung Hoa có vua Trụ vua Kiệt, ở Việt Nam có vua Lê Ngoạ Triều …
Nếu không có con mắt huệ, con mắt pháp thì làm sao nhận ra được: “Khi lai sanh thì hóa sanh, đến nơi trong mộng nói mộng, lăng xăng lộn xộn, vội vội vàng vàng, lấy giả làm chơn, trái không đến sắc”.
Trần Thái Tông đã chỉ cho người đời sau biết diễn tiến tư tưởng con người khi bắt đầu vào cuộc tái sinh, nối tiếp một cuộc đời mới, một giấc mộng mới “đến nơi trong mộng nói mộng”. Cho nên con người dễ rơi vào con đường lầm lỗi, chấp “lấy giả làm chân lăn xăn lộn xộn”. Nếu không có con mắt huệ, mắt pháp thì thử hỏi tìm ra được lối đi chân chính không:
“Đầu sọ khô cài hoa dắt ngọc,
Túi da hôi ướp xạ xông hương.
Cắt lụa là che đậy máu hôi tanh,
Dồi son phấn át thùng phân thúi”.
Ngài còn khẳng định “trang sức như thế trọn gốc nhớp, không thể nơi đây tự thẹn, lại hướng trong ấy mến yêu”. Trần Thái Tông sáng tác để bày tỏ nhận thức của mình cho mọi người cùng biết, cùng nghe, mà thực ra Ngài nói như tự nói với chính mình, tỉnh thức mình.
Trần Thái Tông đã diễn tả về cuộc sống của con người bằng kinh nghiệm thực chứng của bản thân. Hơn 32 năm ngự trị trên ngai vàng, Ngài đã thấy rõ mặt trái của mọi người cũng như chính bản thân mình. Cho nên những điều Thiền sư nói ra như là một cuốn phim quay chậm để mọi người cùng xem, cùng thấy, cùng nhận ra những bườc đi hư hảo phù du của chính mình chứ không phải ai khác. “Hết thảy mọi người! Giống hệt con rối, đều nhờ sợi tơ kéo rút, đùa đến đùa đi cùng sanh một thứ, sau khi buông đi thật là đáng chết. Tự khởi muôn việc tính toán, đều do lục tặc công phá. Chẳng lo già bệnh chết đến, chỉ thích sắc tài rượu thịt. Luống đem đầu lằn rừng ốc (cái lợi nhỏ nhoi), cam chịu lợi ràng danh buộc. Trọn ngày bỏ sạch mong cầu, tối lại trở thành mộng tưởng. Chất chứa nghiệp dơ như giấy, chẳng biết tóc bạc như sương. Một hôm bệnh nặng trầm kha, trăm năm trọn về mộng lớn. Tim gan đau đớn dường thể oán thù, thân thể ốm gầy giống như quỷ đói. Còn muốn cầu đảo sống dai, nào biết sát sinh hai mạng. Chỉ mong biết đời sống như tùng bá, đâu ngờ thân thể vì tựa nhà xiêu. Hồn phách tuy về cõi quỷ, thi hài vẫn còn ở nhân gian, tóc lông răng móng chưa kịp tiêu, đàm dãi máu me đều chảy trước. Rữa nát thì máu mủ chảy trào, hôi hám ắt xông trời xông đất, đen nám chẳng dám nhìn, xanh bầm thật đáng tởm. Chẳng luận giàu nghèo đồng vào cõi chết, hoặc để trong nhà thì dòi đục tửa sanh, hoặc ném ra đường thì quạ ăn chó xé. Người đời đều bịt mũi đi qua, con hiếu thì lấy chiếu mền quấn giấu. Nhặt thu hài cốt, chôn cất thịt xương. Quan quách phó cho đám lửa ma trơi nơi hoang dã, mả mồ giao cho muôn dặm núi sông” . Được sanh làm người trong đời ai cũng có thân, ai cũng có một thời gian sống và một thời khắc chết. Cuộc sống như một vòng quay, con người như là một con rối, không có một khoảnh khắc tự xét lại bản thân mình.
Theo quan niệm của Trần Thái Tông sắc thân và pháp thân không một cũng không khác, vô hạn, vô sanh, bất tử và tình yêu con người cũng vô hạn, không đến cũng không đi. Giá trị văn chương, tinh thần sáng tác của Trần Thái Tông rất đặc sắc, không những cảm nhận thân phận con người khi đang sống mà Ngài còn cảm nhận thân phận cái xác thân tứ đại vô thường sau khi qua đời và nấm mồ của con người trước dòng thời gian bất tận. “Bia đá văn ghi nữa phủ rêu, tiều phu mục đồng làm lối tắt”. Chẳng những cảm nhận về một người mà cả nhiều người, chẳng những một hạng hay một giới người mà gồm cả nhiều giới, nhiều hạng người.
“Dù người văn chương cái thế
Hay kẻ tài sắc khuynh thành
Đến kỳ đâu có khác đường
Rốt cuộc cùng chung một nẽo” .
Nếu Trần Thái Tông không có con mắt pháp, con mắt huệ hay dấn thân vào tận đáy cuộc đời, thì làm thế nào nhà vua có thể cảm nhận đến tận kỳ cùng nẻo đường đi lối về của con người rốt ráo đến như vậy.
Chúng ta còn thấy, Trần Thái Tông đã vạch ra sẵn cho con người một hướng đi rất cụ thể, hầu có thể vượt qua khỏi lối mòn nhân thế: “Nếu ai đủ mắt tinh đời, phải kịp hồi tâm xem lại. Cất mình vượt qua bể tử sinh giang tay xé toạc lưới ái ân. Chẳng nề trai gái, ai cũng nên tu, chẳng cứ trí ngu đều có phận cả. Nếu chưa thấu tâm Phật, ý Tổ, trước hãy chăm trì giới niệm kinh. Kịp đến lúc Phật cũng không mà Tổ cũng không, thì còn có giới nào trì, kinh nào niệm. Trong ảo sắc cũng là chân sắc, chính phàm thân hoá thực pháp thân. Phá sáu giặc thành sáu thần thông biến tám khổ ra tám tự tại” . Ông cha ta thường nói: “Đường đi không khó vì ngăn sông cách núi, mà chỉ khó vì lòng người ngại núi e sông”. Con đường tìm ra chân lý để thoát khỏi nỗi khổ đau của cuộc đời không xa chỉ cần ta vững lòng. Cũng vậy, Trần Thái Tông thấy rằng nếu người thông minh đủ trí nhận chân cuộc sống rồi thì tự mình phải quyết tâm lập nguyện lớn, tự mình thanh lọc chính mình, một khoảnh khắc chừng bằng khảy móng tay phải chấm dứt mọi chướng duyên để cầu đạo giải thoát.
Phương tiện có thể đưa con người đến chỗ thông đạt tâm Phật, ý Tổ chỉ có chúng ta tu tập để tâm ý thuần tịnh, nhận ra “Sắc huyễn cũng chơn sắc, thân phàm cũng là thân Phật” thì khi đó chắc chắn chúng ta sẽ có đủ năng lực để chuyển hoá sáu thức, thành tựu thần thông, chứng đắc các pháp tự tại, tùy duyên ứng hoá hiện thân rộng độ chúng sanh trong cõi đời này.
Ở thế gian, mọi duyên nói nghe thì dễ, nhưng khi bắt tay vào thực hành được hay không là việc khác. Trong giáo lý Phật Đà cũng vậy phần thực hành tu tập đạt kết quả rất khó. Cho nên, trong phần kết bài văn “Nói rộng về sắc thân”, chúng ta thấy Trần Thái Tông đã suy nghiệm rất chí lý:
“Tuy nói thế nhưng người ta đã chịu vào cõi sắc thân này, thoát ra khỏi cũng là khó lắm. Các người ơi! Chỉ cái sắc thân ấy, lại phải làm thế nào mà thoát ra được. Nếu chưa thoát được cần nghe lại đây:
“Vô vi chân nhân thịt đỏ lòm
Rõ ràng trắng đỏ hết đường nom
Ai hay mây cuốn trời quang tạnh
Xanh biếc bên trời sắc núi lam”
Dù phàm hay Thánh khi còn mang xác thân tứ đại này thì phải chịu quy luật của sanh tử. Do đó, chúng ta thấy, Trần Thái Tông muốn đánh thức; muốn khơi dậy bản năng ý thức tự thân của mỗi con người. Ngài tìm lại ý thức tự thân, phân định thật rõ tâm thức, xác thân tứ đại giả hợp của con người. Tâm thức là phần chủ thể, thân xác là phần khách thể. Giá trị của con người là sự kết hợp hài hoà của thân và tâm trong một định hướng sống mà tâm thức đóng vai trò chủ thể, còn xác thân là phần tạm mượn phải trả về với cát bụi.
Con người ở đời sẽ đạt được sự yên vui và hạnh phúc trong cuộc sống, khi con người thật sự giác ngộ được lẽ “không và có” của các pháp. Và khi đó giá trị tinh thần giải thoát không còn là điều hư ảo đối với con người.
4. Thái độ sống của con người Đại Việt đối với tự thân và xã hội
Các nhà nghiên cứu cho rằng, con người trong văn học Phật giáo Lý Trần là con người bản lĩnh, vô úy, vô ngôn, vô ngã, vô tạp, vô nhiễm, vô niệm, con người tự chủ, tự do, phá chấp với trí tuệ siêu việt đầy sức mạnh. Con người ấy có thể hòa nhập vào vũ trụ. Đó cũng là con người biết kết hợp đạo và đời, nhập thế tích cực, vào đời để hành đạo. Nhờ tinh thần phá chấp mà các thiền sư mới có tư tưởng tự do, phóng nhiệm. Khi đã liễu ngộ, thiền sư đã thông suốt mọi thế giới khách quan, không còn có cái tâm phân biệt, định kiến, không vướng mắc nhị nguyên và hiểu rõ quy luật tuần hoàn của cuộc đời, sống chết như nhau.
Từ quan niệm trên, hình ảnh con người trong Khóa Hư Lục nói chung, con người trong Phổ Thuyết Sắc Thân nói chung đã trở thành hình tượng mà Trần Thái Tông đã thể hiện với quan niệm nghệ thuật gắn liền với thế giới quan, nhân sinh quan với quan điểm triết học, chính trị của thời đại với tất cả giá trị thẩm mỹ của nó. Quan niệm ấy lại gắn liền với phương thức phù hợp với hình thức nghệ thuật diễn bày qua tác phẩm.
Khóa Hư Lục của Trần Thái Tông là tác phẩm thuộc văn học Phật giáo Lý Trần ắt hẳn chịu sự tác động của thời đại hào hùng của dân tộc, một tinh thần triết lý Phật giáo thiền tông được tuôn chảy trong dòng mạch văn học trung đại Việt Nam. Thế nên, thái độ sống của con người Đại Việt đối với tự thân và xã hội trong bài Phổ Thuyết Sắc Thân dù nhìn dưới góc độ nào đi nữa cũng đều thể hiện đầy đủ phẩm chất của nó.
Đặc trưng nổi bật của con người trong văn học trung đại là thể hiện tấm lòng như Trần Đình Sử có nói “Con người trong văn học cổ điển ưu thế thuộc về tấm lòng, con người của chí khí. Việc tỏ lòng, tỏ chí khí là nét đặc trưng của họ” .
Trần Thái Tông đã thể hiện tấm lòng nhân ái, vị tha, “Phàm làm bậc nhân quân thì lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình” (Thiền Tông chỉ nam tự).
Có thể xem đây là một quan điểm mới về hình ảnh con người, ắt sẽ tạo ra những chiều hướng mới để xác định các giá trị thật có mặt ở đời. Về mặt nhận thức luận, mọi người trong xã hội đều phải sống thể hiện tấm lòng theo ý muốn chung của mọi người. Nhất là những người lãnh đạo quốc gia, thì càng phải thể hiện tấm lòng trong việc lãnh đạo đất nước. Như vậy, từ con người cá nhân vị kỷ, chứa chất bản ngã, đã hóa hiện thành một con người sống theo tinh thần vô ngã, xa lìa các ham muốn của đời sống vật chất.
Con người trong thơ văn Trần Thái Tông không còn mang tính ước lệ, khuôn mẫu như thường gặp trong văn học trung đại. Phổ Thuyết Sắc Thân đã thổi vào một luồn sinh khí mới khi tạo ra những mẫu người như thế. Đó là con người có sự biến chuyển nội tâm đi từ những thái độ hành vi bất thiện đến sự thăng hoa.
Người đọc như cảm thấy có bóng dáng của mình hiện ra trong từng bài văn viết về con người mà tác giả đã khắc họa. Từ lúc sinh ra, lớn lên, trưởng thành già yếu cho đến lúc chết đi, sự mô tả cái “sắc thân giả tạm” với các hành vi nghiệp của một thân phận, thì chúng ta sẽ thấy hình thái độ sống của con người đối với tự thân và xã hội vừa bộc lộ chiều sâu tâm lý rất người, rất bản năng nhưng đồng thời thật biết hướng thiện.
Vậy là, lần đầu tiên trong lịch sử văn học Phật giáo nước nhà, Trần Thái Tông lấy con người từ trong hiện thực cuộc sống làm đối tượng để khắc họa nên hình ảnh con người. Thái độ của con người trong Phổ Thuyết Sắc Thân là con người được hóa hiện từ cuộc sống trần trụi của nó. Từ tính cách tham ăn khát uống .... tất cả được mô tả như là một hiện tượng thẩm mỹ, có sự vận động tâm linh đa chiều luôn chuyển biến không ngừng.
Nhờ nhận chân cuộc đời là mộng, tâm thức con người mở rộng không cùng, độ lượng hết thảy, nhờ triết lý ấy mà Trần Thái Tông tỉnh thức, trở thành bậc vĩ nhân, thành vị minh quân, xem tính mạng như long hồng, xem ngai vàng như chiếc giày rách, miễn sao ích nước lợi nhà, phải chăng con người giác ngộ là con người luôn bước ra ngoài thế giới. “Đáo xứ mộng trung huyết mộng?” con người giác ngộ cũng là con người tự do ra vào thế giới vô thường ảo ảnh. Với tinh thần vô trước, vô trú, con người bước ra khỏi thế giới tư duy hữu ngã. Họ là con người ung dung tự tại, đi bất cứ nơi nào họ muốn. “Nay ta vì các ngươi không ngại miệng hùm vuốt râu, đầu gậy tiến bước. Nơi nơi gió táp thông reo, lặng nơi trăng chiếu hồ trong ....”
Thời đại Lý Trần là thời đại thái độ con người vô ngã được thể nhập vào đời sống hiện thực. Trần Thái Tông là nhà lãnh đạo khéo vận dụng triết lý con người vô ngã để thực thi công cuộc xây dựng đất nước Đại Việt. Trong bài Phổ thuyết sắc thân, Trần Thái Tông khuyến cáo con người cần nhận thức về sự thật vô ngã để bước ra ngoài thế giới khổ đau do tự thân chiêu cảm: “Các ngươi hãy xem lại cho tường, sắc thân kia chưa vào bào thai thì do đâu mà có? Ấy là do “niệm” nhóm “duyên” tụ; ngũ uẩn hợp thành. Dáng vóc lầm sinh, hình dung giả lộ ... hết thảy đều do tâm rờ bỏ, không làm sao trở gót quay về”
III. Giá trị nghệ thuật
1. Thể loại
Phổ thuyết sắc thân, Trần Thái Tông viết dưới dạng Phổ Thuyết nhằm đem đến cho tất cả mọi người, chứ không chỉ dành cho riêng một thành phần ưu đãi nào của xã hội hay Phật giáo. Ta thấy ở Trung Quốc lối giảng đạo bằng Phổ Thuyết của thiền này phải đợi đến thời Đại Huệ Tông Cảo (1089 – 1163) mới xuất hiện mạnh mẽ. Tại nước ta, việc giảng đạo bằng phương pháp Phổ Thuyết này cũng chỉ bắt đầu với vua Trần Thái Tông và kết thúc với vị vua này. Đó là vì nhà vua muốn trình bày quan điểm Phật giáo của mình với tất cả mọi người, đúng theo chủ trương chính trị lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình. Nội dung bài Phổ Thuyết một lần nữa lại phản ánh rất rõ nét mối quan tâm của những người phật tử giai đoạn này, đó là vấn đề về sắc thân (thân xác con người).
2. Ngôn ngữ
Ngôn ngữ vừa ẩn dụ, vừa biểu tượng, hình tượng, văn chương. Trong lối văn lúc hiện lúc ẩn, làm cho người đọc có cảm giác như bị thu hút vào từng lời văn, từng câu chữ trong Phổ Thuyết vậy.
3. Bút pháp
Phổ Thuyết Sắc Thân với bút pháp vừa hiện thực, tả thực, vừa so sánh. Nếu văn học Phật giáo đời Lý, khi đề cập đến hình ảnh con người, dù là con người vô ngã, vô úy, vô ngôn ... đi nữa, chỉ gợi chứ ít khi tả. Đến với văn học Phật giáo đời Trần, nhất là Trần Thái Tông qua bài Phổ Thuyết Sắc Thân trong Khóa Hư Lục đã sử dụng bút pháp tả thực để mô tả con người từ hình thể bên ngoài đến nội tâm bên trong.
Khác hơn nhiều người, Trần Thái Tông đã quán xét thật kỹ mỗi giây phút sống của chính mình và chứng nhận chính xác mọi cuộc sống chết. Với bút pháp tả thực, Ngài rõ biết thế nào là sắp xếp lại tuần tự chuẩn mực từng giai đoạn, ghi đậm lại những vui buồn, những hiện thực của một kiếp sống, những biến tướng vô thường của vạn vật… để một nhân duyên, một phút giây hữu hạn nào đó. Con người có dịp đọc lại như xem gương thấy được chính mình.
“Thuở xưa tóc mượt má hồng, ngày nay tro tàn xương trắng, khi mưa thảm ánh mây ảm đạm, lúc gió sầu bóng nguyệt lờ mờ. Đêm tàn thì quỷ khóc thần sầu, năm chầy thì trâu quần ngựa xéo. Đom đóm lập loè trong cỏ rậm, tiếng trùng rên rỉ ngọn bạch dương. Bia đá văn ghi nữa phủ rêu, tiều phu mục đồng làm lối tắt. Dù người văn chương cái thế, hay kẻ tài sắc khuynh thành. Đến kỳ đâu có khác đường, rốt cuộc cùng chung một nẽo”.
“Mắt bị sắc lôi về rừng kiếm.
Tai theo tiếng dẫn đến núi đao.
Chóp mũi ngửi hít khói hôi tanh.
Đầu lưỡi ngậm nuốt sắt nóng.
Thân sợ nước đồng sôi gội tắm.
Ý ghê vạc lửa nấu chua cay.
Trăm cái xuân thu ở nhân gian.
Chỉ một đêm ngày trong địa ngục.”
4. Kết cấu
Cô đọng, xúc tích, viết theo thể văn biền ngẫu, bằng Hán tự, một lối văn rất khó viết, ở người cầm bút phải có một trình độ học vấn uyên bác mới dám sử dụng tới và chỉ có sự chứng ngộ trong thiền định mới lãnh ngộ là viết nên những dòng chữ tuyệt tác như thế.
C. KẾT LUẬN
Qua “Phổ Thuyết Sắc Thân”, chúng ta thấy rõ Trần Nhân Tông muốn đánh thức, muốn khơi dậy bản năng ý thức tự thân của mỗi con người. Tìm lại ý thức tự thân, phân định thật rõ tâm thức của con người và xác thân tứ đại giả hợp của con người. Tâm thức là phần chủ thể, thân xác là phần khách thể, tâm thức là chủ sở hữu, thân xác là vật sở hữu. Giá trị của con người là sự kết hợp hài hòa của thân và tâm, trong một định hướng sống mà tâm thức đóng vai trò chủ thể, chủ sở hữu. còn thân xác là phần tạm mượn, cuối cùng phải trả về phần nguyên vị của nó.
Con người ở đời sẽ đạt được sự yên vui và hạnh phúc trong cuộc sống khi con người thật sự giác ngộ được lẽ “ không và có” của các pháp. Và khi đó, giá trị tinh thần giải thoát không còn là điều hư ảo đối với con người.
THƯ MỤC THAM KHẢO
1. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Tập I, Nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 2004
2. Thích Thanh Từ, Thiền sư Việt Nam, Nxb: Tp Hồ Chí Minh, 1999
3. Thích Thanh Từ, Khóa Hư Lục giảng giải, Thiền viện Thường Chiếu, Nxb: Tp. HCM, 1996
4. Thích thanh kiểm (dịch), Khóa Hư Lục, Thành Hội Phật Giáo Tp HCM, 1992
5. Trần Đình Sử, Thi pháp học, Trường Đại học Sư Phạm Tp.HCM, 1993
6. Nguyễn Đăng Thục, Thiền học Trần Thái Tông, Hà Nội: Văn hóa thông tin (tái bản), 1996
7. Nhiều tác giả, Bình luận văn học, Nxb: Văn hóa Sài Gòn, 2006
[Trở về]
|
|